Tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp thuế chống bán phá giá đường mía

17:18 | 24/02/2021 Print
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) vừa thông báo tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía (vụ việc AD13-AS01).

duong mia

Đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan đã tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019. Ảnh: TL

Ngày 9/2/2021, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan (mã số vụ việc: AD13-AS01).

Theo đó, một số sản phẩm đường mía bị áp dụng thuế CBPG và chống trợ cấp tạm thời thuộc các mã HS: 1701.13.00; 1701.14.00 và 1701.99.10, 1701.99.90; 1701.91.00 và 1702.90.91.

Căn cứ vào quy định, Cục Phòng vệ thương mại đề nghị các doanh nghiệp nhận thấy có thể đáp ứng các điều kiện được miễn trừ nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp CBPG và chống trợ cấp (CTC) tạm thời vụ việc AD13-AS01 thì gửi hồ sơ đề nghị miễn trừ tới Cục Phòng vệ thương mại trước ngày 26/3 tới.

Được biết, kết quả điều tra cho thấy ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian vừa qua. Một loạt các nhà máy đường đã phải đóng cửa, gây tác động nghiêm trọng đến việc làm của người lao động. Theo tính toán, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất trong nước. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.

Các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%. Do đó, mức thuế CBPG, CTC tạm thời với các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan là 48,88%./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam