Kênh đầu tư Năm 2021: Nên bỏ “trứng” vào giỏ nào?

22:28 | 23/02/2021 Print
(TBTCVN) - Trong bối cảnh hầu hết các kênh đầu tư vẫn còn chịu những tác động nhất định khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, do đó nhà đầu tư cần thận trọng trong lựa chọn kênh đầu tư hợp lý để tránh rủi ro.

vang

Vàng được dự báo có thể sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2021.

Đây là chia sẻ của chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu với phóng viên TBTCVN.

PV: Ông nhận định như thế nào về cơ hội của các kênh đầu tư (KĐT) trong năm 2021?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Chúng ta có 5 KĐT chủ yếu là vàng, chứng khoán (CK), bất động sản (BĐS), ngoại hối và gửi tiền ngân hàng (NH).

Cụ thể, đối với KĐT vàng, tính chung trong năm 2020, giá vàng đã tăng khoảng 30% (từ mức 42 triệu đồng/lượng tăng lên quanh mốc 56 triệu đồng/lượng). Kim loại quý này được dự báo có thể sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2021, bởi có nhiều yếu tố hỗ trợ như nhiều quốc gia vẫn tiếp tục tung ra các gói kích cầu với quy mô lớn để phục hồi nền kinh tế, sự suy yếu của đồng USD và cả những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung… biến vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn hơn. Khi đó, giá vàng thế giới tăng sẽ kéo theo giá vàng trong nước đi lên.

hieu

Ông Nguyễn Trí Hiếu

Đối với KĐT CK, năm 2020, thị trường CK cũng có nhiều biến động. Kể từ khi VN-Index chạm đáy hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4, chỉ số này đã bật tăng mạnh trở lại từ hơn 600 điểm lên hơn 1.100 điểm kết thúc năm 2020. Năm 2021, VN-Index được dự báo sẽ tiếp tục tăng qua mốc 1.200 điểm với động lực từ nhiều yếu tố như triển vọng nền kinh tế tiếp tục phục hồi, Luật CK sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2021 với nhiều điểm mới cải thiện tâm lý nhà đầu tư (NĐT), thông tin thị trường CK Việt Nam có thể được nâng hạng và vắc-xin ngừa Covid-19 bắt đầu được triển khai tiêm chủng trong năm 2021 cũng tác động tích cực đến thị trường.

Đối với kênh BĐS, năm 2020, thị trường BĐS trải qua một năm rất khó khăn, thậm chí nhiều phân khúc gần như “đóng băng” như BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn… Tuy nhiên từ cuối năm 2020, thị trường BĐS đã có những dấu hiệu “ấm” dần lên khi nhiều dự án “bung hàng” và giá BĐS không bị giảm nhiều. Năm 2021, có nhiều chính sách mới được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường một cách tích cực hơn như một số quy định mới trong Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Luật Đầu tư sửa đổi 2020… Mặc dù vậy, sự phục hồi của thị trường BĐS nhanh hay chậm vẫn phụ thuộc rất nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh. Nếu dịch bệnh được khống chế sớm thì thị trường sẽ dần lấy lại đà hồi phục, ngược lại thị trường có thể sẽ lại chìm trong khó khăn như năm 2020 nếu dịch bệnh kéo dài.

Đối với kênh ngoại hối, năm 2020, về cơ bản tỷ giá được giữ ở mức ổn định và có giảm nhẹ. Trong năm 2021, dự báo tỷ giá sẽ tiếp tục xu hướng này và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục thận trọng trong việc điều hành tỷ giá, duy trì sự ổn định của tiền đồng so với USD.

Đối với kênh tiền gửi NH, hiện lãi suất tiền gửi tại các NH đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Lãi suất huy động cao nhất tại một số NH hiện chỉ còn khoảng 5,6%/năm, thậm chí lãi suất huy động dưới 3 tháng chỉ còn dưới 3%/năm. Trong bối cảnh hiện nay, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt trong quý I/2021, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi thì khả năng lãi suất sẽ nhích dần lên khi nhu cầu về vốn trong nền kinh tế tăng lên. Tuy nhiên, nếu sự lây lan của dịch bệnh kéo dài hơn thì khả năng lãi suất sẽ vẫn giữ ở mức thấp, thậm chí có thể giảm thêm để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp.

PV: Vậy theo ông, năm 2021, NĐT lựa chọn KĐT nào?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Từ những phân tích về những KĐT như ở trên, tôi cho rằng, năm 2021 kênh ngoại hối là kênh nên loại bỏ trong danh mục đầu tư. Kênh gửi tiền NH cũng ít hấp dẫn, song những ai không có nhiều sự lựa chọn để đầu tư do vốn ít hoặc thích an toàn trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì kênh tiết kiệm NH vẫn là sự lựa chọn tốt.

Còn 3 KĐT còn lại, với những ai ưa mạo hiểm, có thể chấp nhận rủi ro thì có thể xem xét bỏ tiền vào. Cụ thể, đối với KĐT vàng, năm 2021, giá vàng có thể sẽ tiếp tục tăng, tuy nhiên giá vàng có thể đảo chiều tăng giảm bất thường nên NĐT cần cẩn trọng và chỉ phù hợp với những NĐT am hiểu về thị trường tài chính. Đặc biệt, thị trường vàng trong nước và thế giới hiện chưa liên thông với nhau. Độ chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước còn khá lớn, như năm 2020 có thời điểm chênh lệch đến 6 – 7 triệu đồng/lượng. Điều này khiến cho NĐT mua vàng lúc giá ở vùng đỉnh rất khó tìm cơ hội chốt lời, nên NĐT cần cân nhắc.

Với kênh CK, thị trường CK vẫn đang lên và được kỳ vọng trong năm 2021. Tuy nhiên cần lưu ý, không phải cổ phiếu nào cũng tốt và chất lượng, để phân biệt cần có kiến thức chuyên sâu nhất định. Những NĐT mới cần phải cẩn trọng, cần có kinh nghiệm phân biệt, lựa chọn hàng tốt để mua, vì một số doanh nghiệp nhân cơ hội thị trường đi lên đã “làm giá” nâng giá cổ phiếu lên gấp hàng chục lần so với giá trị thực. Những NĐT thiếu kiến thức sẽ có khả năng gặp rất nhiều rủi ro.

Đối với kênh BĐS, đầu tư BĐS đòi hỏi vốn lớn nên kén NĐT và NĐT phải cân nhắc kỹ khả năng tài chính của mình trước khi quyết định đầu tư. Thêm nữa, với BĐS, tính thanh khoản sẽ thấp hơn các KĐT khác như vàng hay CK, vì vậy NĐT cần nghiên cứu lựa chọn sản phẩm đầu tư hiệu quả để tránh gặp rủi ro.

PV: Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay vẫn còn khá nhiều bất định khiến đầu tư vào kênh nào cũng là một cuộc “cân não”, vậy ông có lời khuyên chung nào cho các NĐT trong năm nay?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Trong đầu tư thông thường có 3 mục tiêu chính là tính an toàn, khả năng sinh lời và có tính thanh khoản cao. Do đó, NĐT cần cân nhắc hợp lý giữa 3 tiêu chí này để lựa chọn KĐT, dựa theo “khẩu vị” đầu tư, mục đích đầu tư của mình. Cùng với đó, NĐT không nên bỏ tất cả “trứng” vào một giỏ mà nên có sự tính toán phân bổ trong đầu tư.

Một điểm nữa cần chú ý là “kỷ luật tài chính” và chốt mục tiêu, khi đầu tư cần phải có điểm cắt lỗ và chốt lời, không nên để lòng tham lấn át lý trí sẽ dễ bị rơi vào bẫy tài chính, khi đó rủi ro sẽ lớn…

PV: Xin cảm ơn ông!

“Một điểm nữa cần chú ý là “kỷ luật tài chính” và chốt mục tiêu, khi đầu tư cần phải có điểm cắt lỗ và chốt lời, không nên để lòng tham lấn át lý trí sẽ dễ bị rơi vào bẫy tài chính, khi đó rủi ro sẽ lớn…” - Ông Nguyễn Trí Hiếu

Diệu Thiện (thực hiện)

Diệu Thiện (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam