Anh hùng lao động Thái Hương: "10 năm nữa, Việt Nam sẽ chiếm vị thế Top đầu thế giới về thảo dược"

11:57 | 18/02/2021 Print
(TBTCVN) - “Đi sau, đi hơi muộn nhưng không thể về sau, đó là quan điểm của tôi. Trong vòng 10 năm nữa, TH sẽ chiếm vị trí Top đầu trong bảng danh dự về thảo dược của thế giới."

th

Trang trại TH Nghệ An bên cánh đồng hoa hướng dương.

"Trong đó, 5 năm đầu tôi đặt mục tiêu thế giới sẽ phải biết đến những sản phẩm tốt nhất về thảo dược của Việt Nam được kết hợp trong sữa, trong nước uống” - bà Thái Hương - Anh hùng Lao động, nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH khẳng định.

Từ “Người đàn bà sữa”…

Bước vào ngành sữa với những mục tiêu quyết liệt vì tầm vóc và giống nòi Việt, bà Thái Hương đã tạo nên cuộc cách mạng trên thị trường sữa Việt Nam. Các chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn của sản phẩm sữa tươi được thay đổi, người tiêu dùng được hưởng lợi từ sự phân định rõ ràng khái niệm sữa tươi với sữa bột pha lại, sữa hoàn nguyên, giảm một cách ấn tượng tỷ lệ sữa dạng lỏng pha lại từ sữa bột.

Bà Thái Hương đã được tạp chí Forbes bình chọn Top 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á, mệnh danh “người đàn bà sữa” - một doanh nhân có tầm ảnh hưởng quốc gia và châu lục. Sau 10 năm từ khi bà Thái Hương bước chân vào ngành sữa và thực phẩm sạch, y tế, giáo dục,…, đất nước Việt Nam có thêm một Anh hùng Lao động Thái Hương.

huong

Thái Hương

“Thái Hương không những thành công ở thị trường trong nước mà còn đầu tư thành công ra thế giới, tôi đánh giá chị thực sự là một người anh hùng” – TS. Đặng Kim Sơn - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định – “Khía cạnh anh hùng thứ hai rất đáng nể phục của Thái Hương là về khoa học công nghệ. Từ chỗ đi tìm, mua và sử dụng công nghệ hiện đại nhất trên thế giới, chị đã “Việt hóa” những công nghệ hiện đại nhất này một cách rất hiệu quả. Người anh hùng này còn có cả một trái tim nhiệt huyết, cháy bỏng quyết tâm để người Việt được có nguồn sữa sạch, nông dân Việt có việc làm, ngành nông nghiệp làm chủ được công nghệ, rồi quyết tâm đem sữa vào học đường để các cháu ở các địa phương xa xôi được có sữa dùng...”.

Bên cạnh sữa, dấu ấn tiên phong của doanh nhân Thái Hương còn thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác. Đó là việc xây dựng hệ thống trường học TH School tiêu chuẩn quốc tế, là tổ hợp y tế công nghệ cao tiêu chuẩn 5 sao. Đó là con đường đồ uống tốt cho sức khỏe và một hệ sinh thái các sản phẩm thực phẩm sạch, hữu cơ – mọi thứ mà một người nội trợ tử tế có thể cần đến trong bếp ăn nhà mình. Đó còn là con đường thảo dược mà bà Thái Hương cùng TH đã kiến tạo và đặt nền móng vững chắc suốt 10 năm qua thông qua chiến lược bền vững “làm kinh tế dưới tán rừng”.

… đến người dẫn dắt cuộc cách mạng kinh tế dưới tán rừng

Việt Nam là một trong 15 nước trên thế giới có trong bản đồ dược liệu từ xa xưa, với tiềm năng vô cùng phong phú. Tuy nhiên, chúng ta chủ yếu chỉ dừng lại ở xuất khẩu dược liệu, thảo dược dưới dạng thô, giá trị thấp, cách khai thác không bền vững có thể dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nhiều loại quý hiếm.

Từ trước khi ra đời thương hiệu sữa TH true MILK, bà Thái Hương đã hình thành con đường phát triển về thực phẩm sạch – trong đó, ngoài sữa, gạo, rau thì còn có thảo dược. “Trên thế giới và Việt Nam đang có xu hướng phòng ngừa bệnh tật, nâng cao sức đề kháng bằng thực phẩm chức năng, song phần lớn tổng hợp hóa học. Vì vậy, tôi chọn đi vào thị trường ngách, sản xuất thực phẩm, nước uống thảo dược hoàn toàn tự nhiên” - bà Thái Hương nói.

Với sự dẫn dắt của bà Thái Hương, TH đã thực hiện chiến lược Kinh tế xanh – Kinh tế thảo dược dưới tán rừng một cách bài bản, bền vững.

Trước hết, TH kết hợp với các chuyên gia Đông y và nhà khoa học trong cả nước để lập một bản đồ về thảo dược trên toàn cõi Việt Nam, từ đó thành lập Viện Dược liệu TH nhằm nghiên cứu cách bảo tồn cũng như cách phát huy giá trị thảo dược trong 2 mục tiêu lớn. Một là nâng cao thể trạng cho người Việt, phòng ngừa các bệnh mãn tính không lây; hai là thảo dược trong y tế dự phòng.

Tiếp đó, như nhà sáng lập TH đã chia sẻ: “Tôi đi theo hướng hữu cơ (organic) và phát triển theo hướng không di thực – vùng nào xa xưa đã có các loài thảo dược nào thì bây giờ tôi phát triển nó lên trở thành hàng hoá và xây dựng những nhóm dược liệu có giá trị đặc hữu như các loại sâm, các loại gấc của mình. Trở thành đặc hữu rồi thì làm thương hiệu để tất cả người Việt Nam biết đến và hưởng thụ nó, tiếp đó sẽ đưa ra thế giới”.

Nhiều năm nay, TH đã phát triển được một vùng dược liệu tại Nghệ An quy mô tới 250 ha. Dưới tán rừng và quanh bìa rừng tại Yên Thành, Mường Lống – Kỳ Sơn, Nghệ An là những vùng chuyên canh gấc, lạc tiên, rau má, sâm bạch quả, lan thạch hộc, hà thủ ô đỏ, và nhiều loại dược liệu quý hiếm tưởng chừng sắp tuyệt chủng như tam thất Bắc, đương quy, đẳng quy, ngũ gia bì, cây bảy lá một hoa…

Các nhà máy lớn nhất của TH đều có phần vai trò tối quan trọng dành cho chế biến thảo dược: Nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên tại Nghệ An, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ, Nhà máy chế biến nước uống thảo dược TH true Herbal. Trong từng bước đi chiến lược của Tập đoàn, thảo dược luôn là lĩnh vực quan trọng mà Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược nhấn mạnh.

TH tiếp tục đưa người nông dân vào chuỗi khép kín, để họ có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương mình, không cần phải tha phương. Bà Thái Hương giải thích: “Tôi định hướng cho người nông dân tập hợp thành nhóm sản xuất, thành hợp tác xã, tôi sẽ cung cấp giống cho họ. Người dân sẽ làm 2 việc: một là hái lượm thảo dược hữu cơ tự nhiên dưới tán rừng hoặc nhân giống, trồng dược liệu hữu cơ xung quanh bìa rừng… Doanh nghiệp chúng tôi sẽ liên kết thu mua sản phẩm cho bà con, thực hiện khâu sơ chế, chế biến và phân phối sản phẩm ra đến chuỗi cuối cùng”.

Đi sau nhưng vượt trước

“Đi sau, đi hơi muộn nhưng không thể về sau – Đó là quan điểm của tôi. Trong vòng 10 năm nữa, TH sẽ ghi tên vào bảng danh dự về thảo dược của thế giới, sẽ đứng số 1 trong bảng danh dự này. Riêng trong 5 năm đầu tôi đặt mục tiêu thế giới sẽ phải biết đến những sản phẩm tốt nhất về thảo dược của Việt Nam được kết hợp trong sữa, trong nước uống” – bà Thái Hương khẳng định trong một cuộc trao đổi mới đây.

“Chìa khóa vàng” là công nghệ cao, công nghệ thời đại 4.0 tiếp tục được TH vận dụng trong cuộc cách mạng thảo dược của mình. Dù một số năm gần đây có một vài doanh nghiệp đã bắt tay vào chế biến thảo dược nhưng chưa xứng với tiềm năng, chưa dùng các công nghệ hàng đầu thế giới như chiết xuất lạnh. Riêng TH đã nhập khẩu sẵn sàng các công nghệ cao nhất để áp dụng đối với cả thảo dược và hoa quả, nhằm giữ được tối đa tinh tuý và những vi chất tốt nhất của thảo dược Việt. TH cũng tiến hành việc nghiên cứu, kết hợp các nhóm thảo dược để trở thành những sản phẩm dinh dưỡng cải thiện từ chiều cao cho đến sức khoẻ và trí tuệ tốt nhất cho người Việt.

“Tôi đang xây dựng một chiến lược trình Chính phủ, theo đó tại các bìa rừng cho trồng theo diện tích lớn các loại thảo dược đặc hữu để làm hàng hoá ra thế giới. Cần xây dựng mô hình điểm, với các doanh nghiệp đã thực hiện thành công rồi thì các bộ ban ngành cần khích lệ họ và đưa ra một chính sách thoả đáng hơn nhằm lôi kéo thêm nhiều doanh nhân, doanh nghiệp khác vào cuộc. Được như vậy, tôi tin chắc thảo dược Việt Nam sẽ cất cánh ra thế giới và Việt Nam trở thành những điểm du lịch trang trại, thảo dược, vùng dược liệu đặc hữu” – Anh hùng Lao động Thái Hương bày tỏ.

“TH được biết tới là doanh nghiệp tìm ra chiếc “chìa khóa vàng” công nghệ cao mở bung những sức mạnh tiềm tàng của ngành nông nghiệp, đạt được nhiều thành tựu lớn. Giờ đây, chúng tôi tiếp tục làm kinh tế dưới tán rừng, trồng thảo dược và phát triển những sản phẩm đồ uống tốt cho sức khỏe. Với tư duy sản phẩm phải theo chuẩn mực quốc tế và đi theo chuỗi giá trị khép kín, người nông dân sẽ được tham gia trong chuỗi mắt xích để có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương. Tôi đã và sẽ góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới theo định hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ 4.0 bằng những sản phẩm nông sản sạch mà thế giới đang hướng tới”.

Trích phát biểu của bà Thái Hương tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, ngày 9/12/2020.

Hằng Dũng

Hằng Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam