Hà Nội khẳng định là điểm sáng về thu hút đầu tư

11:31 | 15/02/2021 Print
Trong 5 năm qua, Hà Nội thu hút trên 25 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư của cả nước. Riêng năm 2020, mặc dù dịch Covid-19, song Hà Nội vẫn thu hút gần 4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và 145 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước.

Hà Nội thu hút đầu tư

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao chứng nhận đầu tư cho các dự án tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển".

Chủ động, sáng tạo trong thu hút đầu tư

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của thành phố ước đạt 1,74 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015. Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét, khu vực nhà nước giảm từ 43,44% năm 2015 xuống khoảng 33,88% năm 2020.

Trong khi đó, khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài tăng nhanh, tập trung vào những lĩnh vực như: cấp nước, bãi đỗ xe, xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng công nghệ thông tin, giáo dục, y tế,... Riêng năm 2019, thành phố thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập và là năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước.

Hiện nay, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 12,8% về vốn, 10,4% về thu ngân sách của thành phố và góp phần tích cực chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và đào tạo kỹ năng cho người lao động, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Để đạt được những kết quả trên, trong những năm qua, Hà Nội đã có nhiều cách làm chủ động, sáng tạo trong xúc tiến, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, từ năm 2016, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển. Từ đó đến nay, hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển được tổ chức hằng năm đã trở thành “tầm ngắm”, được các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước rất quan tâm và khẳng định Hà Nội là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn.

Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn đang tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, Hà Nội đã “âm thầm” chuẩn bị các điều kiện để tổ chức hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Với sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Thành ủy, sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành, hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” đã được tổ chức thành công vào ngày 27/6/2020, với sự tham gia của trên 2.000 đại biểu đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế. Đây là hội nghị có quy mô lớn nhất cả nước và khu vực.

Thành công của hội nghị không chỉ ở quy mô, cách thức tổ chức chuyên nghiệp, an toàn tuyệt đối trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, mà còn ở kết quả hội nghị mang lại, với 229 dự án được ký kết, tổng số vốn trên 400 nghìn tỷ đồng, tương đương 17,6 tỷ USD (gấp 5 lần và 11 lần về số dự án và số vốn thu hút so với Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016). Những dự án này có tác động rõ nét đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trước mắt cũng như lâu dài, đồng thời có tác động lan tỏa đến các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.

“Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” còn thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong tiên phong trên mặt trận phục hồi, phát triển kinh tế; đi đầu trong đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư của các công ty, tập đoàn quốc tế” - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá.

Cùng với đó, trong những năm qua, Hà Nội đặc biệt quan tâm “xúc tiến đầu tư tại chỗ”, thông qua đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Hà Nội, tạo sự thông thoáng, bình đẳng trong tiếp cận đất đai... Điều này được thể hiện rõ nhất qua việc cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Năm 2019, chỉ số PCI của Hà Nội đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm trước), duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, trong 10 chỉ số thành phần PCI, có 08 chỉ số cải thiện tăng hạng, như: “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” tăng 19 bậc; “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất” tăng 15 bậc; “Đào tạo lao động” xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố; “Chi phí gia nhập thị trường” nằm trong top 10/63 tỉnh, thành phố,...

Kết quả này tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội.

Cũng trong năm 2020, trước những tác động nặng nề của dịch Covid-19 đối với sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp và hoãn, giãn, giảm thuế, Hà Nội đã triển khai 21 chương trình, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, với tổng số kinh phí hơn 215 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thành phố cũng thực hiện giảm, giãn, hoãn cho các doanh nghiệp hơn 25.000 tỷ đồng tiền thuế, phí, tiền thuê đất, chiếm 30,4% của cả nước. Cũng từ những chính sách trên, trong năm qua, trên địa bàn thành phố có 25 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh đang hoạt động lên 322 nghìn doanh nghiệp. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh

Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 3,1 - 3,2 triệu tỷ đồng (giá hiện hành, tăng 12,5 - 13,5%/năm), trong đó phấn đấu thu hút 30 - 40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, vốn giải ngân đạt 20 - 30 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, trọng tâm là đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế; phát triển và lấp đầy các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch đã duyệt; tạo sự liên kết giữa các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội và các địa phương khác từ khâu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, phân phối sản phẩm để hình thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn và hiệu quả cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu sàng lọc, định hướng những ngành nghề, lĩnh vực và những địa bàn để thu hút đầu tư nước ngoài.

Trên cơ sở đó, TP. Hà Nội sẽ tập trung hoàn thiện toàn bộ hệ thống quy hoạch; lập các danh mục thu hút đầu tư cho các địa bàn, lĩnh vực, sản phẩm; chọn lọc, thu hút đầu tư đối với các dự án có sử dụng công nghệ cao; ban hành các kế hoạch, chương trình, cơ chế, chính sách của Thành phố để thu hút đầu tư nói chung, đặc biệt là các dự án đầu tư nước ngoài.

“Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, mục tiêu là đưa Hà Nội trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư, tạo môi trường thuận lợi nhất để các nhà đầu tư ổn định và yên tâm phát triển” - Phó Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định./.

Theo Hanoi.gov.vn

Theo Hanoi.gov.vn

© Thời báo Tài chính Việt Nam