Bất chấp Covid, nhiều doanh nghiệp Nhật vẫn lựa chọn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam

06:59 | 09/02/2021 Print
Kết quả khảo sát thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp Nhật đang đầu tư tại Việt Nam năm 2020 vừa được Jetro (Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản) công bố cho thấy, bất chấp Covid-19, nhiều doanh nghiệp Nhật sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1 đến 2 năm tới.

nb

Định hướng phát triển kinh doanh trong vòng 1 đến 2 năm tới của các doanh nghiệp Nhật tại các quốc gia. Nguồn Jetro.

Tỷ lệ doanh nghiệp có lãi cao hơn mức trung bình của ASEAN

Đặc trưng của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Việt Nam đó là ngành chế tạo nhiều hơn ngành phi chế tạo. Ngành chế tạo chiếm 44% trong tổng số các quốc gia tham gia khảo sát. DN vừa và nhỏ bằng doanh nghiệp lớn. DN vừa và nhỏ chiếm 38% trong tổng số các quốc gia tham gia khảo sát. DN có giấy phép EPE (doanh nghiệp chế xuất) chiếm 55% ngành chế tạo.

Cũng như các nước và các khu vực khác, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của virus Corona chủng mới nên DN bị sụt giảm lợi nhuận kinh doanh năm 2020. Trả lời câu hỏi về tỷ lệ lợi nhuận của năm 2020, tại Việt Nam, tỷ lệ các DN dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh năm 2020 là 49,6%, giảm 16,2 điểm so với 65,8% của năm trước (khảo sát năm 2019); tỷ lệ các DN “cân bằng” (hòa vốn) hoạt động kinh doanh là 20,3%.

Tuy nhiên, cùng với Malaysia và Singapore, tỷ lệ này vẫn thuộc mức tiêu chuẩn cao trong khu vực ASEAN. Tại Indonesia, Philippines và Thái Lan, tỷ lệ lãi bị sụt giảm lớn. Với con số này, tỷ lệ DN có lãi trong hoạt động kinh doanh năm 2020 của các DN Nhật Bản tại Việt Nam cao hơn mức trung bình chung của khu vực ASEAN và mức trung bình chung của các khu vực được khảo sát.

Tại Việt Nam, có 52,8% DN trả lời về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2020 (so với năm 2019) là “suy giảm” do ảnh hưởng của virus Corona chủng mới; 17,8% DN trả lời “sẽ cải thiện” dù có dịch bệnh. Mặc dù vậy, khi trả lời về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2021, tại Việt Nam, có tới hơn 1 nửa (53,9%) số DN Nhật Bản tại Việt Nam tham gia khảo sát cho rằng sẽ “cải thiện”.

Gần 47% doanh nghiệp sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam

Tại Việt Nam, hơn 86% các DN trả lời rằng tới năm 2021 hoạt động kinh doanh sẽ được bình thường hóa. Vì vậy, về định hướng phát triển kinh doanh trong vòng 1 đến 2 năm tới của các DN Nhật, tỷ lệ DN trả lời sẽ “mở rộng” tại Việt Nam là 46,8%, giảm 17,1 điểm so với khảo sát năm 2019 (63,9%). Tỷ lệ mở rộng này tuy có thấp hơn năm trước, nhưng cao thứ 4 trong khu vực châu Á - châu Đại Dương, chỉ sau Pakistan, Ấn Độ và Myanmar.

Tại Việt Nam, tỷ lệ DN trả lời sẽ “thu nhỏ” hoặc “chuyển/rút sang quốc gia (khu vực) thứ ba” là 6,1%, tăng 3,3 điểm so với khảo sát năm 2019 (2,8%). So với các quốc gia, khu vực khác thì tỷ lệ này thấp, chỉ sau Pakistan và Đài Loan.

Những lý do mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1 đến 2 năm tới bao gồm: “tăng doanh thu tại thị trường địa phương” (65,9%), “tăng doanh thu nhờ mở rộng xuất khẩu” (48,7%), “mức độ tiềm năng và tăng trưởng cao” (44,1%). So sánh với các quốc gia/ khu vực khác thì Việt Nam được các DN Nhật đặt nhiều kỳ vọng vào “mức độ tiềm năng và tăng trưởng cao” và “tăng doanh thu nhờ mở rộng xuất khẩu”.

Xét về lợi thế và rủi ro về môi trường đầu tư của Việt Nam so với các quốc gia được khảo sát, hơn 50% DN trả lời về lợi thế của Việt Nam là: tiềm năng thị trường/tiềm năng tăng trưởng (66.,3%, giảm 0,5 điểm so với khảo sát năm 2019); tình hình chính trị - xã hội ổn định (65,7%, tăng 6,2 điểm); chi phí nhân công rẻ (56,5%, tăng 7,6 điểm) .

Tuy nhiên, chi phí nhân công tăng vọt (63,7%, tăng 2,6 điểm so với khảo sát năm 2019) là rủi ro lớn nhất. Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện/vận hành thiếu minh bạch (48,9%, tăng 6,3 điểm), thủ tục hành chính phức tạp (46,7%, tăng 13,8 điểm)… là những rủi ro tại Việt Nam tăng lên đáng kể trong cuộc khảo sát năm 2020.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ thu mua nguyên liệu tại chỗ ở Việt Nam tăng nhẹ ở mức 37,0%, tăng 0,7 điểm so với khảo sát năm 2019 (36,3%). Có những DN muốn mở rộng thu mua tại chỗ, tuy nhiên sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ vẫn chưa theo kịp.

Tỷ lệ thu mua tại chỗ của Việt Nam tăng dần từ năm 2010, nhưng sự tăng trưởng đó còn chậm. Những năm gần đây mặc dù ngang hàng với Malaysia, nhưng so sánh với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia thì vẫn ở mức thấp và cần cải thiện hơn nữa.

Khảo sát của Jetro được thực hiện với các DN Nhật Bản (có tỷ lệ đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp từ phía Nhật Bản trên 10% và các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp Nhật Bản) đang đầu tư tại 20 quốc gia/ khu vực bao gồm 5 quốc gia/ khu vực tại Đông Bắc Á, 9 quốc gia ASEAN, 4 quốc gia Tây Nam Á, 2 quốc gia châu Đại Dương. Khảo sát được thực hiện từ năm 1987, năm nay là lần khảo sát thứ 34.

Thảo Miên

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam