Xuất khẩu nông lâm thủy sản: Tận dụng thời cơ thị trường, tăng tốc ngay từ đầu năm

00:07 | 09/02/2021 Print
Tháng 1/2021, nhiều mặt hàng chính của nông lâm thủy sản tăng trưởng khá do tận dụng thời cơ thị trường, tăng tốc ngay từ đầu năm. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tập trung đàm phán tháo gỡ rào cản thương mại, cảnh báo quy định về rào cản cho các mặt hàng nông lâm thủy sản...

gỗ

Giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 1/2021 tăng 48,4% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Khánh Linh

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 1 đạt gần 3,5 tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ước giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 1/2021 đạt 3,49 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020. Hầu hết các nhóm ngành hàng chính đều có sự tăng trưởng khá, nhiều mặt hàng tận dụng thời cơ thị trường tăng tốc ngay từ đầu năm.

Trong mặt hàng nông sản, cao su đã bứt phá mạnh mẽ ngay từ tháng đầu năm với khối lượng xuất khẩu cao su tháng 1/2021 đạt 200 nghìn tấn với giá trị đạt 321 triệu USD, gấp 2,2 lần về khối lượng và gấp 2,4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là mặt hàng lâm sản chính có sự tăng trưởng mạnh với giá trị xuất khẩu ước đạt 1,33 tỷ USD, tăng 47,8%. Riêng giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 1/2021 đạt 1,25 tỷ USD, tăng 48,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, mặt hàng thủy sản đã có sự đảo chiều ngoạn mục với sự tăng trưởng khá mạnh. Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 1/2021 ước đạt 600 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm như: gạo, rau quả, cà phê, tiêu… Theo các doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu gạo giảm do nguồn cung trong nước đang yếu. Các doanh nghiệp đang chờ đợi nguồn hàng từ vụ Đông Xuân.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, sự sụt giảm mạnh về xuất khẩu như trên với nhiều mặt hàng nông sản chủ lực trong tháng 1 chủ yếu vẫn do tình trạng thiếu hụt trầm trọng container rỗng. Những lô hàng nông sản đã xuất đi được trong tháng 1, phải chịu phí vận chuyển rất cao.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030. Đề án đặt ra mục tiêu giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 60 - 62 tỷ USD vào năm 2030. Mục tiêu chung của đề án đến năm 2030 là thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản (NLTS), tham gia toàn diện và bền vững vào chuỗi cung ứng NLTS, thực phẩm toàn cầu; nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm NLTS xuất khẩu của Việt Nam nhằm đáp ứng được các quy định của các thị trường nhập khẩu.../.

Tập trung đàm phán để tháo gỡ rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật

Theo nhận định của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tuy tháng đầu tiên của năm 2021 một số mặt hàng nông lâm thủy sản có giảm nhưng thời gian tới vẫn có nhiều tín hiệu tích cực về thị trường.

Cụ thể, dự báo xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippin, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất khả quan.

Đối với rau quả, diễn biến dịch Covid-19 khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam, đặc biệt là khó khăn về việc thay đổi thị hiếu do thay đổi thói quen và thủ tục nhập khẩu siết chặt do dịch bệnh. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tăng cường giám sát chất lượng hàng hoá, tránh vi phạm quy định của các nước về tiêu chuẩn, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực phẩm để quá trình thông quan không bị ảnh hưởng...

Nhằm ứng phó với các điều kiện bất lợi và đạt được các mục tiêu xuất khẩu nông sản trong năm 2021, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, Bộ NN&PTNT đã xác định những giải pháp trọng tâm để tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản. Đó là tập trung đàm phán để tháo gỡ rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam; kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản và những vấn đề phát sinh đối với nông sản xuất khẩu, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm.

Bên cạnh đó là tăng cường tận dụng những cam kết từ các hiệp định thương mại tự do đã ký, triển khai kế hoạch hành động thực thi hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đồng thời, phối hợp với các đại sứ quán, thương vụ tại các nước để cung cấp thông tin, phân tích, dự báo về thị trường, từ đó định hướng, quy hoạch sản xuất trong nước, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đáp ứng được yêu cầu thị trường, sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với xuất khẩu.../.

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam