Năm 2020: Cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa hợp lý

21:42 | 08/02/2021 Print
Năm 2020, toàn ngành xây dựng đã hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng hơn 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội. Tuy nhiên, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa thực sự hợp lý. Dư cung ở phân khúc cao cấp, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.

Xây dựng hơn 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo tình hình nhà ở và thị trường bất động sản năm 2020. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, trong khu vực công nghiệp và xây dựng ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36% so với năm trước, đóng góp 1,12 điểm phần trăm tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành xây dựng tăng 6,76%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành bất động sản đóng góp khoảng 4,42%. Nếu tính cả các đóng góp gián tiếp của các yếu tố vốn, đất đai, vật liệu, xây dựng…, trong lĩnh vực bất động sản thì đóng góp của ngành bất động sản còn cao hơn, khoảng 8 - 11%.

lệch-pha-cung-cầu-bất-động-sản.jpg
Vẫn còn tình trạng lệch pha cung cầu ở một số phân khúc bất động sản. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, kết quả đạt được là nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị và sự chung sức đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân, cùng với sự chỉ đạo, điều hành và thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, trong năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tích cực nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách để đảm bảo tính đồng bộ, liên thông của hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, như: Luật Xây dựng 2020 và Luật Đầu tư 2020 cùng với nhiều văn bản pháp luật khác.

Đặc biệt, ngay từ đầu năm, Chính phủ và các bộ, ngành đã hết sức nỗ lực, khẩn trương nghiên cứu để ban hành nhanh chóng, kịp thời nhiều cơ chế, chính sách để giúp tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng như: Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã giao phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, xây dựng trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án: Đề án “An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo an sinh xã hội”. Đề án Quản lý, phát triển quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ giai đoạn 2021 – 2025.

Bất động sản không bị “trầm lắng”, “đóng băng”

Bên cạnh công tác quản lý thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội như: Chương trình hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt...

bất-động-sản-2020.jpg
Số lượng căn hộ đủ điều kiện để bán trong năm 2020.

Trong năm 2020, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng đã và đang thực hiện hỗ trợ là 352.000 hộ, trong đó hoàn thành hỗ trợ cho 328.494 hộ đạt khoảng 93,3% kế hoạch hỗ trợ; Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn: đã thực hiện hỗ trợ được cho 115.650/240.000 nghìn hộ nghèo đăng ký vay vốn làm nhà ở, với tổng số vốn đã cho vay khoảng 2.891 tỷ đồng.

Đối với chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung, năm 2020 đã thực hiện hỗ trợ được cho trên 19.200/21.600 hộ, đạt 89% kế hoạch; Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2): về cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng 178/179 cụm, tuyến dân cư và bờ bao, đạt tỷ lệ 99% và đã bố trí cho 52.220/55.939 hộ dân vào ở an toàn trong các cụm, tuyến, đạt tỷ lệ 93,4%.

Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng, năm 2020, cơ cấu hàng hóa bất động sản đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa thực sự hợp lý, vẫn còn biểu hiện dư cung ở một số phân khúc bất động sản cao cấp tại các đô thị lớn, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội. Một số doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các loại hình bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, chưa coi trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho đại bộ phận người dân còn đang bị hạn chế về mức thu nhập, nhất là các đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Ông Hà Quang Hưng cho rằng, nhờ có các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thông qua nhiều nghị quyết, chỉ thị; đồng thời các bộ, ngành, địa phương đã chủ động có nhiều giải pháp hợp lý, sử dụng hiệu quả các công cụ điều tiết chính như: tín dụng, thuế, đất đai, quy hoạch..., nên thị trường bất động sản trong năm 2020 không rơi vào trạng thái “trầm lắng”, “đóng băng” toàn diện mà chỉ giảm phát ở một số phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê.

“Trải qua năm 2020 với nhiều thách thức, tuy nhiên với những tín hiệu, xu hướng hết sức tích cực của thị trường và toàn nền kinh tế, có thể nói thị trường bất động sản đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, để từng bước đứng vững, phục hồi. Từ đó sẽ tạo cơ sở, động lực tốt cho thị trường bất động sản năm 2021 tiếp tục phát triển ổn định” – ông Hà Quang Hưng kỳ vọng./.

Văn Tuấn

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam