VATM dù “thắt lưng, buộc bụng” vẫn luôn đảm bảo điều hành bay an toàn

14:31 | 06/02/2021 Print
(TBTCVN) - Năm 2020, kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động nặng nề của dịch Covid-19 khi nhiều đường bay bị ngừng khai thác. VATM đã có nhiều giải pháp trước mắt để đương đầu và vượt qua thách thức.

bay

Điều hành bay tại Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài.

Covid-19 kéo sụt kết quả kinh doanh

Đánh giá đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến tình hình phát triển kinh tế, giao thương, giao thông hàng không, lãnh đạo VATM cho rằng, năm 2020, lưu lượng hoạt động bay bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nhiều đường bay bị ngừng khai thác, sản lượng điều hành bay quá cảnh luôn duy trì ở mức thấp do tình hình dịch bệnh ở nhiều quốc gia khác đang trong tình trạng chưa kiểm soát được. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết tại một số khu vực thường xuyên diễn biến xấu do thiên tai, bão lũ; hoạt động nâng cấp, sửa chữa đường cất hạ cánh tại 2 sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất được thực hiện cùng thời điểm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều hành bay.

Về kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo của VATM cho thấy, sản lượng điều hành bay của tổng công ty ước tính đến hết tháng 12/2020 chỉ đạt 424.423 lần chuyến, giảm 548.485 lần chuyến so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng doanh thu năm 2020 đạt 1.760 tỷ đồng, bằng 40,97% so với thực hiện năm 2019; lợi nhuận trước thu ước đạt 4,4 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 852 tỷ đồng, bằng 24,65% so với thực hiện năm 2019.

Do sự bùng phát và tác động của đại dịch Covid-19, sản lượng điều hành bay của tổng công ty bị sụt giảm nghiêm trọng dẫn đến tất cả các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất kinh doanh không đạt được theo kế hoạch 2020 đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt. Trên cơ sở này, VATM đã đề xuất Bộ GTVT thực hiện điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh của các đơn vị trực thuộc theo tình hình mới; thực hiện nghiêm túc tiết giảm chi phí, cân đối thu chi, thắt chặt chi tiêu, tạm dừng triển khai các dự án chưa thực sự cấp bách, ưu tiên tập trung nguồn lực cho các dự án phục vụ trực tiếp cho công tác đảm bảo hoạt động bay.

Song song đó, tổng công ty đã theo dõi sát tình hình dịch bệnh và hoạt động hàng không trong nước và thế giới, chủ động xây dựng các kịch bản phục hồi, kịp thời báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 và kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách, giải pháp hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước cho đơn vị để đảm bảo hoạt động.

Để phòng chống dịch Covid-19, VATM đã triển khai kích hoạt cấp độ 3 (màu Cam) với phương án cách ly tập trung tại Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát tiếp cận tại sân Đà Nẵng và các đài kiểm soát không lưu.

Bên cạnh đó, các công tác hiệp đồng, điều hành bay, quản lý luồng không lưu, tổ chức vùng trời, đường hàng không, phương thức bay được VATM thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy trình và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan.

Mặt khác, VATM cũng tổ chức đánh giá năng lực kiểm soát viên không lưu, huấn luyện viên không lưu; xây dựng phương án đào tạo huấn luyện, nâng cao năng lực, bố trí sắp xếp lại vị trí công việc phù hợp, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng theo yêu cầu phát triển không ngừng của ngành hàng không và nâng cao chất lượng dịch vụ công tác điều hành bay.

Đảm bảo điều hành bay toàn tuyệt đối

Theo kế hoạch năm 2020, VATM triển khai thực hiện 140 dự án, kế hoạch giải ngân trong năm là 251 tỷ đồng (giảm 114 tỷ đồng so với kế hoạch đã được Bộ GTVT phê duyệt). Các dự án đầu tư của VATM được tổ chức thực hiện chặt chẽ, bám sát kế hoạch đã được phê duyệt.

Về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, VATM đã chủ động, tích cực phối hợp với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Liên danh tư vấn JFV JV hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 và đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó dự án thành phần 2 gồm các công trình phục vụ quản lý bay đã được giao cho VATM làm chủ đầu tư.

Để có nguồn vốn thực hiện dự án, Tổng công ty đã thực hiện cân đối vốn giai đoạn 2021 - 2025 và đã có phương án đảm bảo nguồn vốn cho dự án thành phần 2 - các công trình phục vụ quản lý bay tại Cảng hàng không Long Thành.

Theo đó, VATM đã đề nghị Bộ GTVT ủy quyền thực hiện các quyền và trách nhiệm của người quyết định đầu tư đối với dự án này, xin chấp thuận hình thức giao ban quản lý dự án chuyên ngành quản lý bay thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án thành phần 2, đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn vốn, chất lượng, tiến độ, hiệu quả đầu tư của dự án và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Tổng công ty đang tổ chức rà soát, hoàn thiện và trình phê duyệt dự án thành phần 2 theo đúng quy định của pháp luật; hoàn thành dự thảo các hồ sơ (nhiệm vụ, dự toán...) phục vụ công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện dự án. Bên cạnh đó, trong năm vừa qua, đơn vị này cũng đang thực hiện một số dự án đầu tư thay thế các trạm Radar ở Cam Ranh, Cà Mau, Vinh, Quy Nhơn, Nội Bài.

Theo những phân tích về tình hình hàng không và dự báo sự phục hồi kinh tế trong năm 2021, Tổng công ty dự kiến xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021, với những chỉ tiêu về sản lượng điều hành bay và tổng doanh thu dự kiến thấp hơn ước thực hiện năm 2020, trên tinh thần tiếp tục cắt giảm hơn nữa các khoản chi phí đảm bảo hoạt động thường xuyên, chi phí tiền lương để đảm bảo cân đối thu chi; đồng thời vẫn đảm bảo duy trì chất lượng cung cấp dịch vụ điều hành bay an toàn tuyệt đối các chuyến bay trong khu vực trách nhiệm được giao.

Nhằm nâng cao công tác đảm bảo hoạt động bay theo đúng lộ trình đề ra, phía VATM sẽ thiết lập các phương thức bay; hoàn thiện triển khai áp dụng hệ thống quản lý cất/hạ cánh tại cơ sở điều hành bay; thực hiện các giải pháp tăng cường tự thực hiện bảo trì, bảo dưỡng khai thác các trang thiết bị kỹ thuật hiệu quả, tiết kiệm chi phí và theo đúng quy định, tiêu chuẩn, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, ổn định, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ quyết toán các dự án nghiệm thu đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ yêu cầu...

VATM cũng nghiên cứu, rà soát điều chỉnh các quy định quản lý tài chính, kế toán phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; đề xuất phương án phân bổ, chi trả quỹ tiền lương, tiền thưởng và chế độ với người lao động trong tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.

Trí Dũng

Trí Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam