“Điểm sáng” VIMC trong “bão” Covid-19

10:21 | 06/02/2021 Print
(TBTCVN) - Năm 2020 do dịch Covid-19 bùng phát nên việc giao thương quốc tế bị hạn chế, sản lượng hàng hóa vận chuyển trở nên khan hiếm hơn, trong khi đó giá cước vận tải lại giảm sâu từ 30 - 40%, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của đội tàu viễn dương.

cang

Khối cảng biển năm 2020 của VIMC vẫn giữ phong độ ấn tượng.

Tuy vậy, VIMC đã triển khai nhiều nhóm giải pháp, nhờ vậy vẫn giữ đà tăng trưởng so với năm 2019.

Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), để khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, đơn vị đã triển khai nhiều nhóm giải pháp nhằm mở rộng thị trường và tái cơ cấu nợ. Cụ thể: Thứ nhất, VIMC chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường mới. Thứ 2, đẩy mạnh sửa chữa tàu, thị trường sửa chữa chính tại Trung Quốc đóng cửa không nhận cho nên phải sửa chữa trong nước, với thời gian kéo dài mà đặc biệt các xưởng tại Quảng Ninh bắt cách ly, rất khó khăn cho thuyền viên cho nên phải giám sát để làm sao sửa chữa tối ưu và hiệu quả nhất. Thứ 3, tái cơ cấu nợ các ngân hàng, mua bán nợ một số khoản nợ, sau đó rút tàu ra để bán cắt bớt lỗ và giảm các khoản lãi”.

Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp như vậy, nên mặc dù rất khó khăn nhưng kết quả vận tải biển của VIMC cũng vẫn khá ấn tượng. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển năm 2020 của đội tàu của VIMC ước đạt hơn 22,3 triệu tấn, tăng 14% so với năm 2019.

6 tháng cuối năm 2020, nhờ sự chuyển dịch chuỗi sản xuất và cung ứng sang Việt Nam trong 1 - 2 năm vừa qua đã phát huy hiệu quả, giúp hàng hóa xuất khẩu tăng trưởng bền vững giúp xuất khẩu của Việt Nam đã dần phục hồi và tăng trưởng. Một yếu tố quan trọng đó là các hiệp định thương mại như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cho Việt Nam.

Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, Chính phủ đã ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng cảng biển. Đây là điều kiện tốt để các doanh nghiệp cảng biển tập trung đầu tư hạ tầng, trang thiết bị nhằm tăng cường năng lực tiếp nhận hàng hóa qua các cảng.

Nhờ đó khối cảng biển năm 2020 của VIMC cũng vẫn giữ phong độ ấn tượng. Đặc biệt, là Cảng Quy Nhơn. Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết thêm, dự kiến năm 2020, sản lượng thông qua Cảng sẽ chạm mốc 11 triệu tấn (tăng 22%, trong đó hàng container tăng gần 40%), vượt mốc sản lượng kỷ lục vừa đạt được 1 năm trước đó là 9 triệu tấn hàng thông qua trong năm 2019. Đạt được bước tăng trưởng đầy ngoạn mục sau hơn 1 năm Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tiếp quản là sự khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong định hướng chiến lược cho Cảng Quy Nhơn và vai trò quản lý, điều hành hiệu quả của VIMC, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của đội ngũ lãnh đạo, CBCNV Cảng Quy Nhơn.

Trong hệ thống cảng biển Việt Nam, Cảng Quy Nhơn là cảng được đánh giá là một trong những cảng biển có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung.

Cùng với việc phát huy nội lực nhằm tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, Cảng Quy Nhơn đã và đang tích cực xây dựng nhiều biện pháp mở rộng thị trường, xây dựng vùng hậu phương vững chắc, đẩy mạnh công tác tiếp thị, thu hút nguồn hàng, áp dụng phương thức marketing linh hoạt, tổ chức triển khai hợp lý từng loại hàng, đặc biệt tập trung phát triển hàng container thông qua công tác xúc tiến, kết nối giữa chủ hàng và chủ tàu, thuyết phục chuyển đổi phương thức vận chuyển hàng rời sang phương thức sử dụng container tiêu chuẩn, hiện đại.

Kể từ khi Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tiếp quản, bên cạnh việc mở rộng thị trường, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ của tỉnh Bình Định cũng được cảng Quy Nhơn hết sức chú trọng.

Nhờ các hoạt động trên, năng suất lao động bình quân tại cảng Quy Nhơn đã tăng đáng kể với 82 tấn/người/ca trong 9 tháng năm 2020, tăng 21% so với cùng kỳ 2019. Thu nhập bình quân của người lao động cũng đã tăng bình quân 1 triệu đồng/người/tháng, đạt mức 15,2 triệu đồng/người/tháng.

Trí Dũng

Trí Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam