Vì sao thị trường nhà ở TP. Hồ Chí Minh thành công?

14:55 | 03/02/2021 Print
Dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế, nhưng thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở gồm căn hộ, biệt thự và nhà phố vẫn cho thấy những khởi sắc trong suốt năm 2020. Theo Savills Việt Nam, nguyên nhân lớn nhất xuất phát từ sự hạn chế về nguồn cung.

căn hộ

Căn hộ giá thấp tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục khan hiếm. Ảnh ĐD

Khan hiếm căn hộ giá thấp

Bà Võ Thị Khánh Trang - Trưởng bộ phận Nghiên cứu của Savills Việt Nam, trích dẫn số liệu thống kê thị trường căn hộ quý IV/2020 tại TP. Hồ Chí Minh để chứng minh thêm cho lập luận của tổ chức này. Theo đó, thị trường đã chứng kiến lượng cung thấp nhất trong 5 năm vừa qua khi cả quý chỉ gần 11.300 căn, dù tăng 12% theo quý và 14% theo năm nhưng nếu tích lũy kế cả năm thì chỉ được 25.300 căn, tức giảm 38% so với năm kế trước khi nguồn cung mới hạn chế và lượng hàng tồn thấp. Căn hộ hạng C tiếp tục chiếm lĩnh nguồn cung cả năm với 65% thị phần là một dấu hiệu tích cực.

Cùng với đó, tỷ lệ hấp thụ của phân khúc nào cũng đạt mức cao, với lượng giao dịch đạt 8.600 căn hộ. Giá bán sơ cấp ghi nhận mức tăng ở tất cả các hạng. Nhiều dự án ở hạng A và B có giá bán tăng lên đến 9% theo quý, trong khi giá bán căn hộ hạng C có mức tăng thấp hơn, khoảng 4%. Trong khi đó, nguồn cung căn hộ hạng C có giá dưới 1.000 USD/m2 trở nên cực kỳ khan hiếm do chi phí sử dụng đất tăng và hạn chế hỗ trợ từ Chính phủ.

Dự báo về nguồn cung căn hộ sắp tới, bà Võ Thị Khánh Trang cho rằng, đến năm 2024 dự kiến có hơn 115.000 căn hộ, trong đó nguồn cung năm 2021 chiếm 15%. Nguồn cung mới vẫn còn khá hạn chế, nhất là đối với những dự án đang mở bán ở giai đoạn đầu. Trong khi một năm qua, hầu hết nguồn cung là từ các dự án đã phát triển như các dự án phức hợp, các khu đô thị lớn. Mặc dù vậy, điều này sẽ giúp cho tiến độ phát triển dự án rất tốt cũng như tạo ra một môi trường sống lành mạnh, chất lượng cho cư dân, đồng thời dần khẳng định được vị thế các dự án phức hợp trong thị thường nhà ở.

bất động sản liền thổ
Một góc khu nhà liên kề ở quận 12, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh ĐD

Phân khúc bất động sản liền thổ bứt phá

Trong khi đó, phân khúc biệt thự và nhà phố, nhà phố thương mại tiếp tục được ưa chuộng, bất động sản (BĐS) liền thổ có sự gia tăng chuỗi giá trị khi nhà ở liền thổ giá cao được cung cấp ra thị trường nhiều hơn và được hấp thụ tốt. Nguồn cung sơ cấp trong quý giảm 61% theo quý và 7% theo năm, là mức cung thấp nhất trong năm 2020.

Cung hạn chế và nhu cầu cao khiến tỷ lệ hấp thụ của cả quý đạt 71% và cả năm đạt 93%. So với năm kế trước, lượng giao dịch tăng 53%. Đáng chú ý là phân khúc nhà phố thương mại (NPTM), khi nguồn cung sơ cấp trong năm 2020 tăng 230%, trong đó BĐS liền thổ chiếm 43% thị phần. NPTM ở các dự án phức hợp có quy mô lớn thu hút khách mua.

Nhận định về tiềm năng phát triển của thị trường nhà ở trong năm 2021, bà Võ Thị Khánh Trang chia sẻ, với những dấu hiệu tốt như xuất hiện vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh và kỳ vọng đến năm 2023 sẽ được tiêm ngừa rộng rãi, giúp đem lại thành công trong phòng chống đại dịch, kèm theo đó là những thay đổi về luật, sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như sự phát triển tầm chung và kết nối hạ tầng với các tỉnh thành khác sẽ kích thích nhu cầu nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh tăng cao.

“Việt Nam nằm trong top 5 các quốc gia châu Á có sự tăng trưởng về tầng lớp giàu có (với lượng tài sản lớn hơn 1 triệu USD). Trong 5 năm tới, tầng lớp này ở Việt Nam dự kiến có mức tăng trưởng trung bình mỗi năm 65%. Riêng năm 2021, lãi suất vay mua nhà được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm và BĐS vẫn là kênh đầu tư ưa thích, nên nhu cầu cho phân khúc BĐS liền thổ kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng” – bà Võ Thị Khánh Trang dự đoán./.

Đỗ Doãn (ghi)

Đỗ Doãn (ghi)

© Thời báo Tài chính Việt Nam