Cần xóa bỏ mọi can thiệp hành chính đối với doanh nghiệp nhà nước

14:58 | 29/01/2021 Print
Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn tham gia quyết định nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, điều này đã làm giảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp nhà nước.

Đây là chủ đề được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo “Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) nhà nước (DNNN) theo nguyên tắc thị trường (NTTT)”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, dưới sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế (Aus4Reform).

DNNN
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: D.T

Ông Phạm Đức Trung – Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN, CIEM cho biết, trải qua gần 35 năm đổi mới, về cơ bản, khu vực DNNN đã được đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cả trên bình diện pháp luật lẫn trên thực tế.

Cụ thể, trên bình diện pháp luật, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN được quy định khá đầy đủ. Theo đó, DNNN có quyền như các DN tư nhân, được điều chỉnh chung khung pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu.

Trên thực tế, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo NTTT cũng đã được đảm bảo nhất định, đặc biệt trong quan hệ cung - cầu thị trường, trong quản lý tài chính, tiếp cận và thu hút nguồn vốn trên thị trường, trong quyết định đầu tư, tuyển chọn lao động…

Mặc dù vậy, theo nhóm nghiên cứu của CIEM, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo NTTT vẫn chưa được đảm bảo đầy đủ, nhiều nội dung còn có khoảng cách khá xa so với các thông lệ quốc tế phổ biến...

Đơn cử, ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng CIEM đưa dẫn chứng, về quyền tuyển dụng, bổ nhiệm người quản lý, với quy định hiện hành về điều kiện bổ nhiệm người quản lý, trước hết là điều kiện về quy hoạch cán bộ sẽ rất khó để tìm kiếm, lựa chọn, ký kết hợp đồng với người quản lý giỏi từ thị trường để bổ nhiệm vào các chức danh quản lý DNNN, đặc biệt chức danh tổng giám đốc. Hay về quyền tự do thỏa thuận tiền lương, pháp luật hiện hành quy định tiền lương gắn với hiệu quả kinh doanh, nhưng vẫn khống chế mức hưởng tối đa…

“Đặc biệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước còn trực tiếp quyết định nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN 100% vốn nhà nước. Bên cạnh đó, chưa áp đặt triệt để cơ chế thị trường cạnh tranh trong tiếp cận tài chính và các nguồn lực sản xuất kinh doanh. DNNN vẫn có những lợi thế chính sách đặc thù so với các loại hình DN khác…” – ông Phạm Đức Trung cho biết.

Trước thực tế trên, để nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo NTTT, các chuyên gia tại hội thảo khuyến nghị, trước hết, cần tiếp tục minh bạch hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh của chủ sở hữu nhà nước và mục tiêu hoạt động của từng DNNN; đồng thời, nâng cao trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, năng động và hiệu quả trong thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế kinh tế để DNNN thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường, theo quan hệ cung - cầu của thị trường.

“Đặc biệt, cần tránh can thiệp hoặc áp đặt DNNN phải thực hiện quá nhiều mục tiêu và nhiệm vụ phi thị trường, DNNN cần được đặt trong yêu cầu bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DNNN và DN khác” – chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung khuyến nghị.../.

Diệu Thiện

Diệu Thiện

© Thời báo Tài chính Việt Nam