Cải cách môi trường kinh doanh: Việt Nam vẫn còn khoảng cách xa với nhóm ASEAN 4

16:28 | 21/01/2021 Print
Mặc dù Việt Nam đã có những cải cách về môi trường kinh doanh, song khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam so với nhóm nước ASEAN 4 đang ngày càng cách biệt trên nhiều chỉ số, do đó mục tiêu vào nhóm nước ASEAN 4 của Việt Nam đang dần trở nên thách thức hơn.

Đây là một trong những nội dung được tập trung trao đổi, thảo luận tại hội thảo “Cải cách môi trường kinh doanh (MTKD) và năng lực cạnh tranh (NLCT): Kết quả, bài học và định hướng 2021 - 2025”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức, ngày 21/1.

Chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội có sự cải thiện vượt trội

Trình bày báo cáo kết quả MTKD và NLCT giai đoạn 2014 – 2020, bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Nghiên cứu MTKD và NLCT, CIEM cho biết, sau hơn 5 năm đẩy mạnh cải cách MTKD, Việt Nam đã đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận trên các bảng xếp hạng quốc tế.

Theo đó, thứ hạng MTKD của Việt Nam đã tăng 8 bậc, từ thứ hạng 78 (năm 2014) lên thứ hạng 70 (năm 2019). Trong đó, chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội và chỉ số tiếp cận điện năng có sự cải thiện tốt nhất, đóng góp rất lớn vào việc cải thiện thứ hạng MTKD của Việt Nam trong những năm qua. Cụ thể, giai đoạn 2014 – 2019, chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng tới 64 bậc, từ vị trí 173 (năm 2014) lên vị trí 109 (năm 2019).

Cùng với đó, nhiều lĩnh vực cải cách cũng được đẩy mạnh và đã đạt được những kết quả khá tích cực. Chẳng hạn, về cải cách điều kiện kinh doanh (ĐKKD), đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa một số lượng lớn ĐKKD. Cụ thể, nếu như năm 2015, có khoảng 6.000 ĐKKD trong tất cả các lĩnh vực, thì đến cuối năm 2019, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa được hơn 50% ĐKKD. Đặc biệt, nhiều ĐKKD quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi đã được cắt bỏ…

Moi truong kinh doanh
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: D.T

Hay trong lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) cũng ghi nhận nhiều chuyển biến. Theo đó, số lượng mặt hàng phải thực hiện quản lý, KTCN đã giảm được khoảng 12.600 mặt hàng, từ khoảng 82.698 mặt hàng (năm 2015) xuống còn 70.087 hiện nay. Cùng với đó, hầu hết thủ tục về quản lý chất lượng được chuyển sang giai đoạn sau thông quan. Đặc biệt, các quy định về KTCN đang từng bước được áp dụng theo nguyên tắc quản lý rủi ro…

“Hiện nay, thành phần hồ sơ và thời gian thực hiện thủ tục KTCN đã được rút ngắn đáng kể. Trong đó, thời gian đăng ký KTCN phổ biến là trong ngày, thời gian KTCN (từ khi lấy mẫu đến khi có kết quả) từ mức trung bình 7 ngày xuống phổ biến là 1 - 3 ngày… Những cải cách trên đã tiết giảm đáng kể thời gian, chi phí cho doanh nghiệp” - bà Thảo cho biết thêm.

Vẫn còn khoảng cách lớn với các nước trong khu vực

Mặc dù ghi nhận những cải cách về MTKD trong thời gian qua, tuy nhiên theo bà Thảo, MTKD của Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với một số nước trong khu vực như Singapore, Malaysia và Thái Lan. Trong khu vực ASEAN, hiện Việt Nam mới đang ở vị trí thứ 5. “Khoảng cách về chất lượng MTKD của Việt Nam so với nhóm nước ASEAN 4 đang ngày càng cách biệt trên nhiều chỉ số, do đó mục tiêu vào nhóm nước ASEAN 4 của Việt Nam đang dần trở nên thách thức hơn” – bà Thảo nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, khảo sát của nhóm chuyên gia CIEM cũng chỉ ra, MTKD của Việt Nam vẫn còn tồn tại khá nhiều rào cản.

Đơn cử, ĐKKD vẫn còn là trở ngại đối với doanh nghiệp, biểu hiện năm 2019 vẫn có đến khoảng 34% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. Hay trong lĩnh vực quản lý, KTCN, những thay đổi tích cực vẫn còn quá ít so với yêu cầu của Chính phủ và kỳ vọng của doanh nghiệp. Đặc biệt, một số quy định đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhưng có văn bản lại gây trở ngại hơn; thậm chí, có quy định ở văn bản mới ban hành còn mâu thuẫn và trái với các quy định của pháp luật hiện hành…

Trước những tồn tại, hạn chế của MTKD, từ góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khuyến nghị, để tạo nên một MTKD thật sự thông thoáng, thuận lợi, trước hết cần tiếp tục giảm rào cản gia nhập thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần đổi mới quy trình xây dựng luật theo hướng tăng cường sự minh bạch, chuyên nghiệp, chống xung đột, chống cài cắm lợi ích, nhất là cần tính toán đầy đủ chi phí lợi ích của quy định.

Ngoài ra, cần thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ, tăng cường kỷ luật thị trường; đồng thời, cần gia tăng bảo hộ quyền sở hữu tài sản, sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, có cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả cho doanh nghiệp…./.

Diệu Thiện

Diệu Thiện

© Thời báo Tài chính Việt Nam