Tín hiệu nào cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2021?

14:34 | 20/01/2021 Print
Cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, đại dịch Covid-19 đã tác động khá mạnh tới mặt hàng thủy sản do dịch bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp trên toàn cầu, khiến tiêu thụ sản phẩm thủy sản giảm, xu hướng tiêu dùng thay đổi, đơn đặt hàng giảm từ 35% đến 50%.

cá tra

Xuất khẩu cá tra giảm do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: Tạ Hà

Xuất khẩu thủy hải sản các loại đồng loạt giảm

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, giá trị xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 đạt gần 8,4 tỷ USD, giảm 1,8% so với năm 2019. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) phân tích, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu thủy hải sản các loại của Việt Nam giảm liên tục trong hai quý đầu năm nay. Tuy nhiên, bước sang quý III, do xuất khẩu thủy sản bắt đầu hồi phục với mức tăng trong tháng 9/2020 đạt trên 12% so với cùng kỳ năm ngoái, thị trường cá tra và tôm xuất khẩu và trong nước có dấu hiệu hồi phục. Mặc dù vậy, vào tháng cuối của năm 2020 thị trường của 2 mặt hàng này đều giảm sau khi có sự kiểm soát nhập khẩu của thị trường Trung Quốc.

Tại thị trường trong nước, sau hơn một tháng tăng, giá cá tra trong nửa đầu tháng12/2020 đã giảm trở lại do những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tạm thời giảm thu mua cá tra nguyên liệu ngoài do đầu ra xuất khẩu đang chậm lại, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tháng dao động quanh mức 19.000 - 20.000 đồng/kg đối với cá tra loại I, giảm 2.500 đồng/kg so với tháng trước.

Thị trường tôm nguyên liệu tại vùng ĐBSCL vẫn vững giá khi nguồn cung hạn chế và các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua nguyên liệu phục vụ nhu cầu xuất khẩu cho dịp Noel và năm mới. Tại Bạc Liêu, tôm sú ướp đá cỡ 20, 30 con/kg tăng 5.000 đồng/kg so với tháng 11 lên tương ứng 195.000 - 220.000 đồng/kg, cỡ 40 con/kg giữ mức 150.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ cỡ 60, 70 con/kg giữ mức 110.000 - 115.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg tăng 8.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg .

Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường trọng điểm

Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đưa ra một số dự báo về các thị trường trọng điểm trong năm 2021. Theo đó, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản sẽ không tăng về lượng trong thời gian tới. Cơ cấu mặt hàng sẽ vẫn sẽ chuyển sang những sản phẩm thủy sản đông lạnh, đóng hộp, tiện dụng ở nhà, dễ chế biến...

Về cơ cấu thị trường sẽ có sự thay đổi lớn do tác động từ các rào cản thương mại và phi thương mại cũng như các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Ngoài ra dịch Covid-19 đang làm ảnh hưởng tới nguồn cung thủy sản của các nhà cung cấp thủy sản cho Nhật Bản cũng sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu thị trường cung cấp thủy sản trong thời gian tới.

Đối với mặt hàng tôm, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản trong những tháng đầu năm 2021 sẽ phải cạnh tranh mạnh với tôm của Ấn Độ đang có mức giá thấp hơn hẳn, do chi phí sản xuất thấp hơn. Hiện Việt Nam đang là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản và có nhiều lợi thế từ hiệp định thương mại tự do song phương với Nhật Bản đối với mặt hàng tôm.

Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2021 chỉ tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu về chất lượng, kiểm dịch và thủ tục sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sang thị trường này có thể bị chậm ở một số thời điểm. Các doanh nghiệp (DN) cần chủ động nắm bắt rõ các quy định, thủ tục để giảm thiểu rủi ro.

Trái với thị trường Nhật Bản và Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong thời gian tới được dự báo sẽ tăng mạnh, do nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản của Mỹ tăng và hai sản phẩm chủ lực của Việt Nam là cá tra và tôm có mức giá phù hợp với đa số người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, trong quý I/2021 cần đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng tôm ở dạng đông lạnh tới những thị trường lớn có nhu cầu cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Nga. Các DN cần đặc biệt lưu ý các thủ tục để được hưởng ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do để tăng tính cạnh tranh về giá đối với những sản phẩm tôm của những đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia.

Đối với thị trường Trung Quốc, mặt hàng tôm hùm sống và tôm khô đang có nhu cầu lớn nên các doanh nghiệp cần lưu ý đặc biệt đảm bảo chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc ở hai mặt hàng này.

Đối với mặt hàng cá ngừ, nguồn cung cá ngừ bị ảnh hưởng lớn trong tháng 10/2020 vì những cơn bão đã tác động tới khả năng xuất khẩu cá ngừ trong những tháng cuối năm 2020. Tuy nhiên tình hình xuất khẩu mặt hàng này trong quý I/2021 sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng hơn khi nguồn cung dần trở lại ổn định. Các DN cần đặc biệt lưu ý tới nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này ở thị trường Ai Cập và Ixraen.

Đối với mặt hàng cá tra, nguồn cung cá tra đang dần ổn định, đầu ra cho sản phẩm cá tra cũng ít bị gián đoạn như giai đoạn quý II và quý III/2020. Giai đoạn đầu năm 2021 là thời điểm để các DN xuất khẩu cá tra đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa tới những thị trường lớn và truyền thống./.

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam