RCEP: ‘Mở lối’ tăng trưởng xuất khẩu

13:42 | 20/01/2021 Print
RCEP là khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, song một số quốc gia yêu cầu không quá cao về chất lượng sản phẩm – điều đang gặp phải trong CPTPP, EVFTA… do đó, phù hợp với trình độ của phần lớn doanh nghiệp Việt, mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho doanh nghiệp.

Đây là một trong những nội dung được trao đổi, thảo luận tại hội thảo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức, ngày 20/1.

Thị trường tiêu thụ lớn

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng CIEM cho biết, Hiệp định RCEP bao phủ vùng lãnh thổ có dân số tới 2,2 tỷ dân, tương đương 30% dân số toàn cầu. Hơn nữa, đây là khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, mức sống cao nên nhu cầu tiêu dùng cũng rất lớn… Do đó, RCEP mở ra thêm cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam tăng cường xuất khẩu (XK) và mở rộng thị trường, nhất là các loại mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản…

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM, việc gia nhập RCEP sẽ giúp các DN giảm bớt các khó khăn và thách thức về quy tắc xuất xứ. Theo ông Dương, thực tế, nhiều chuỗi sản xuất hàng hóa của Việt Nam còn phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu (như sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến…) từ nhiều quốc gia thuộc nhóm RCEP (chẳng hạn Trung Quốc, Hàn Quốc…).

Chẳng hạn, trong chuỗi sản xuất ngành dệt may, 80% nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài, nhiều nhất là từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Trong khi đó, theo nội dung cam kết các hiệp định thương mại (FTA) giữa ASEAN và Nhật Bản, nếu sản phẩm có vải do Nhật Bản và các nước ASEAN sản xuất và được may tại Việt Nam, thì sẽ được miễn thuế khi XK sang Nhật Bản. Nếu vải được sản xuất bên ngoài khu vực và được may tại Việt Nam, thì thành phẩm XK sang Nhật Bản sẽ phải chịu mức thuế 9 - 10%. Nói cách khác, ngành dệt may khó có thể tận dụng các ưu đãi về thuế. Do đó, việc gia nhập RCEP sẽ giúp giảm bớt các khó khăn và thách thức về quy tắc xuất xứ, góp phần tạo ra những chuỗi giá trị khu vực mới và giúp DN tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan trọng.

RCEP
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: D.T

Ngay cả với nhập khẩu, RCEP cũng mở ra cơ hội cho Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường XK hàng hóa đa dạng cả về loại hình và giá cả của các nước đối tác. Các quy định về xóa bỏ và cắt giảm thuế quan sẽ giúp DN Việt Nam có cơ hội nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc từ các nước có trình độ khoa học kỹ thuật cao, với mức giá thấp hơn. Nhờ vậy, DN có thể tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa XK Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, tham gia vào một thị trường rộng lớn như RCEP, DN Việt có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, góp phần tăng cường vị thế trong chuỗi sản xuất toàn cầu…

Gia tăng cạnh tranh với Trung Quốc

Bên cạnh những cơ hội, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tham gia RCEP cũng mang đến những thách thức không nhỏ đối với các DN Việt. Trong đó, một thách thức lớn đối với DN Việt Nam là RCEP có thể tạo ra nguy cơ chuyển hướng thương mại, cụ thể hơn là gia tăng cạnh tranh với Trung Quốc.

“Hiện nay, Việt Nam đang có ưu thế cạnh tranh một cách tương đối so với Trung Quốc nhờ Hiệp định Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) và các Hiệp định ASEAN+1. Với RCEP, Trung Quốc có thêm ưu đãi thuế quan khi XK vào các thị trường này và sẽ gia tăng cạnh tranh hơn nữa với Việt Nam và các nước ASEAN” – bà Trang nhấn mạnh.

Thách thức nữa đó là gia tăng nhập siêu. Theo bà Trang, ngành sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn nhất là hàng hóa từ các nước khác có thể đưa vào Việt Nam với mức thuế suất thấp hơn. Nếu DN từ các đối tác trong RCEP không điều chỉnh giá trước thuế nhập khẩu, thì hàng của họ vẫn sẽ cạnh tranh hơn về giá khi vào Việt Nam và có thể gây áp lực đối với nhập siêu.

“Gia tăng nhập siêu một mặt có thể gây áp lực đối với cán cân thanh toán và thị trường ngoại hối, qua đó ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô và dư địa chính sách tiền tệ ở Việt Nam – điều luôn được quan tâm trong những thập niên gần đây. Mặt khác, ngay cả khi gia tăng nhập siêu từ RCEP có thể được bù đắp bởi thặng dư thương mại từ các thị trường khác, rủi ro hàng XK của Việt Nam bị điều tra lẩn tránh thuế vẫn hiện hữu, qua đó ảnh hưởng đến lựa chọn điều hành XK ở cả cấp chính sách và cấp DN” – bà Trang cho biết.

Để hạn chế những thách thức trên khi RCEP đi vào thực thi, các chuyên gia tại hội thảo khuyến nghị, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá. Muốn vậy hàng hóa của Việt Nam phải cải thiện đồng thời nhiều tiêu chí, bao gồm: giá, chất lượng, khả năng thực hiện đơn hàng lớn, giao hàng đúng thời hạn, kênh phân phối và khả năng phục hồi trước những thảm họa thiên nhiên.

Bên cạnh đó, cần tổ chức lại hệ thống phân phối hàng hoá trong nước, trong đó có cả các cơ sở bán lẻ của các nhà đầu tư thuộc các nước RCEP và tiếp cận hệ thống phân phối bán lẻ ở thị trường RCEP; đẩy mạnh hoạt động truyền thông và xúc tiến thương mại ở ngoài nước…

Đặc biệt, khai thác lợi thế cạnh tranh phải tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm hàng hoá. Theo đó, vấn đề trọng tâm là phải phát triển đa dạng hoá sản phẩm, thường xuyên đổi mới để tăng sự hấp dẫn; đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu…./.

Diệu Thiện

Diệu Thiện

© Thời báo Tài chính Việt Nam