Bộ Giao thông cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp

16:33 | 18/01/2021 Print
Bộ Giao thông vận tải đã cắt giảm, đơn giản hóa những quy định không cần thiết, là rào cản cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt, bảo đảm công khai, minh bạch trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải.

ô tô

Ảnh: TL.

Cắt giảm gần 70% điều kiện kinh doanh

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông, năm 2020, bộ này đã quyết liệt cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, bộ đã phê duyệt phương án cắt giảm 35 TTHC, đơn giản hóa 166 TTHC, cắt giảm 384 điều kiện trên tổng số 570 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực GTVT (đạt tỷ lệ 67,36%); sửa đổi, bổ sung 10/10 văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, hoàn thành các nhiệm vụ triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, cổng dịch vụ công và hệ thống điện tử một cửa của bộ.

Bên cạnh đó, ngành Giao thông cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, đến nay đã có 254 TTHC được cung cấp ở mức độ 3, 4, trong đó có 87 TTHC tham gia Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; hoàn thành 5/5 chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao về cung cấp dịch vụ công và tích hợp 114 TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đơn cử như, kết nối dịch vụ công mức độ 4 cấp, đổi giấy phép lái xe, hoàn thành phối hợp với Bộ Y tế để tích hợp thông tin kết quả khám sức khoẻ người lái xe và Bộ Công an để tích hợp thông tin về xử lý vi phạm hành chính, triển khai thí điểm tại Hà Nội và Hà Nam từ 1/7/2020; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đăng kiểm và cơ quan thuế, đảm bảo triển khai việc khai, thu lệ phí trước bạ điện tử, hoàn thành chia sẻ dữ liệu điện tử có ký số liên quan đến xe nhập khẩu, lắp ráp với Tổng cục Thuế từ tháng 6/2020…

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT cũng đã ban hành Kiến trúc chính phủ điện tử Bộ GTVT (Phiên bản 2.0); chương trình Chuyển đổi số Bộ GTVT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; cùng với đó, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành GTVT, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ; hoàn thành kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản của 54/54 đơn vị cấp 2 thuộc bộ, kết nối với trục văn bản quốc gia để gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp, theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Bộ GTVT đẩy mạnh sử dụng ký số trong xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng; tỷ lệ gửi, nhận văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước đạt tỷ lệ gần 98%, góp phần tiết giảm thời gian, chi phí. Ngoài ra, Bộ GTVT còn đẩy mạnh xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện, hướng tới quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số; đưa vào sử dụng nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu Bộ GTVT kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương khác.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy người dân là trung tâm phục vụ

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, năm 2021, Bộ GTVT cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kiện toàn và nâng cao năng lực của bộ máy trong quyết định đầu tư, tổ chức quản lý; ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp quản lý hiện đại nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả trong tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông. Đi đôi với đó, ngành GTVT tăng cường hợp tác trong và ngoài nước về phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ từ các tổ chức tư vấn quốc tế có năng lực, kinh nghiệm.

Đồng thời, ngành này sẽ đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử và chuyển đổi số Bộ GTVT theo hướng lấy người dân là trung tâm phục vụ; tiếp tục xây dựng, cung cấp các dịch vụ công mức độ 3, 4 và tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hướng tới quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số.

“Ngành GTVT sẽ tiếp tục rà soát, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa số quy định và chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh/.

Bộ GTVT vừa ban hành Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 nhằm nâng cao chất lượng toàn diện đối với công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, bao gồm: cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số; gắn kết chặt chẽ công tác CCHC với các nhiệm vụ quản lý nhà nước; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác CCHC và cải cách TTHC…

Văn Nam-Trí Dũng

Văn Nam-Trí Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam