Thách thức đối với xuất khẩu da giày sau dịch Covid-19

18:54 | 13/01/2021 Print
Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), với tác động của dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu của ngành da giày đã có nhiều thay đổi đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh trong các chiến lược kinh doanh để thích ứng với các xu hướng mới của thị trường.

anh dau day

Sản xuất sản phẩm da giày xuất khẩu tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: N.H

Xu hướng tiêu dùng thay đổi

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lefaso cho biết, đã có sự thay đổi lớn đối với xu hướng tiêu dùng trên thế giới. Hơn 60% người tiêu dùng cắt giảm mua sắm thời trang nhanh; 65% người tiêu dùng chuyển từ hàng thời trang nhanh sang hàng cơ bản, lâu bền; 67% người tiêu dùng yêu cầu về phát triển bền vững và vấn đề về lao động.

Các quốc gia ngày càng khắt khe hơn trong các yêu cầu quản lý chất thải, bảo vệ môi trường. Nền kinh tế tuần hoàn cũng đang được các nhãn hàng theo đuổi. Không chỉ các nước phát triển, các quốc gia đang phát triển sẽ tiến tới đánh thuế các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường. Nếu như các nhà sản xuất không nắm bắt được sẽ bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một thách thức lớn nữa đối với ngành da giày là sức cạnh tranh quốc gia của da giày Việt Nam đang giảm dần. Hiện giá nhân công sản xuất các sản phẩm da giày đang tăng rất cao ở mức 171 USD đối với vùng 1 và 151 USD đối với vùng 2. Trong khi đó tại Indonesia, giá nhân công chỉ khoảng 100 USD, Ấn Độ, Myamar, Bănglades giá nhân công giao động ở mức từ 81-95 USD. “Chi phí nhân công đang là thách thức lớn đối với ngành da giày khi chi phí lao động chiếm 24% đối với giá xuất khẩu (XK), tăng 30% so với trước, đây là bất lợi lớn. Với mức độ tăng lương trung bình từ từ 7-10% như hiện nay chỉ 5 năm tới là hoạt động dịch chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam sẽ xảy ra”, lãnh đạo Lefaso nhận định.

Từ góc độ doanh nghiệp (DN), ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Gia Định cũng bày tỏ sự lo lắng trước khá nhiều thách thức đang đặt ra cho hoạt động XK của ngành da giày.

Theo ông Trung, trước những tín hiệu tích cực của thị trường trong các tháng gần đây, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng XK từ 30-35% so với năm 2020. Tuy nhiên, bên cạnh sự phụ thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19, DN cũng đang phải đối mặt với thách thức do xu hướng tiêu dùng thay đổi, việc nắm bắt đơn hàng lớn khó so với trước đây. Hiện các nhà nhập khẩu đã đưa ra các đòi hỏi khắt khe hơn với nhà sản xuất, yêu cầu mẫu mã ngày càng tối giản nhưng chất lượng cao, đơn hàng nhỏ, lẻ, thời gian giao hàng gấp hơn trong khi giá giảm…

“Không chỉ vậy, mối lo thiếu lao động đang thường trực với các DN da giày do sản xuất phục hồi, đơn hàng tăng khiến hầu hết các DN đều phải thêm tuyển lao động. Hiện vấn đề này vẫn đang giải quyết tốt nhưng đến tháng 4, tháng 5 tới thì tình hình sẽ khó khăn hơn”, ông Trung cho hay.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Từ thực tế hoạt động sản xuất, ông Nguyễn Chí Trung cho rằng, trong tình hình này để đảm bảo được hoạt động XK các DN phải cải tiến về trang thiết bị, nâng cao ý thức của người lao động, áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất để đảm bảo hoạt động XK đạt hiệu quả tốt nhất.

Còn theo khuyến nghị của bà Phan Thị Thanh Xuân để có thể đáp ứng được các xu hướng tiêu dùng mới các nhà cung ứng da giày Việt Nam cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn lao động về môi trường. Cùng với đó phải nâng cao khả năng, kỹ năng cho người lao động. Đặc biệt là phải chấp nhận các đơn hàng nhỏ để tránh rủi ro.

Đối với chiến lược khôi phục và phát triển sau dịch Covid, theo lãnh đạo Lefaso có 4 vấn đề chính các nhà cung ứng cần quan tâm là cạnh tranh quốc gia, quan hệ với các nhãn hàng, nâng tầm giá trị trong chuỗi và phát triển bền vững... Về cạnh tranh quốc gia, Việt Nam đang kém cạnh tranh về giá nhân công cao nhưng các FTA, đặc biệt là EVFTA và CPTPP đang là lợi thế lớn của ngành da giày.

Để giải quyết các thách thức trong quan hệ với các nhãn hàng, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần có chiến lược cần linh hoạt hơn, đa dạng phương thức để đáp ứng các đơn hàng khác nhau, không chỉ dừng lại ở gia công mà cần mở rộng sang OBM, ODM, nâng cao khả năng thiết kế. Đa dạng hoá các phương thức XK sẽ giúp các nhà sản xuất không bị động trước các yêu cầu của thị trường. Ngoài ra, cần đưa thêm các khâu trong chuỗi cung ứng vào sản xuất tại Việt Nam như sản xuất nguyên phụ liệu, nâng cao khả năng thiết kế, tham gia một phần vào logictics…

Liên quan đến những khó khăn cho hoạt động XK da giày nói riêng và XK hàng hoá nói chung, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, hiện nay chi phí vận chuyển hàng XK đang tăng hơn 4-5 lần thậm chí là 10 lần so với trước thời kỳ trước dịch do tình trạng thiếu tàu, thiếu container, thiếu lao động trầm trọng tại nhiều cảng biển trên thế giới. Tình hình này không thể giải quyết nhanh. Do vậy, các DN cần có sự tính toán đàm phán với khách hàng để giãn thời gian giao hàng hoặc sử dụng các phương tiện khác thay thế nhằm giảm thiểu thiệt hại do tình trạng tăng cước phí vận chuyển đột biến như hiện nay…/.

Huế Nguyễn

Huế Nguyễn

© Thời báo Tài chính Việt Nam