Định hình Chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới

18:59 | 11/01/2021 Print
Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên – năm 2021 với chủ đề “Định hình Chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới” vừa được Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chủ trì tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh.

anh mơi

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Gia Cư

Sức bật từ nội lực và ngoại lực

Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các chuyên gia kinh tế thuộc Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, kinh tế trưởng của các ngân hàng, đại diện các quỹ đầu tư tài chính và gần 300 doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Diễn đàn đã diễn ra 2 phiên thảo luận chính đang rất được nhiều doanh nghiệp quan tâm, chờ đợi.

Tại phiên 1 bàn thảo về kinh tế vĩ mô với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2021 – sức bật từ nội lực và ngoại lực”, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đã đề cập và bàn thảo những trụ cột và động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế Việt Nam trong mối tương quan với sự thay đổi của thế giới và sự tác động kéo dài của đại dịch Covid-19.

Các chuyên gia đều nhận định và phân tích, các yếu tố nội lực của nền kinh tế Việt Nam, của các ngành, các khu vực kinh tế, tinh thần vượt khó đã không chịu khuất phục trước các thách thức của các chủ thể kinh tế. Yếu tố này cũng là cơ sở vững chắc đảm bảo hoàn thành các mục tiêu kinh tế đất nước đề ra trong năm 2020.

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố ngoại lực từ bối cảnh mang lại đã tạo niềm tin về sự bền vững, an toàn và không ngừng kiến tạo môi trường phát triển của Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế. Đây cũng thực sự là cơ hội mở ra nhiều hơn cho kinh tế Việt Nam, cho các khu vực doanh nghiệp trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới

Phiên 2 với chủ đề "Định hình chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới" đã nhận được nhiều chia sẻ, ý kiến của các bộ ngành, chuyên gia quản trị doanh nghiệp, ngân hàng, giới đầu tư tài chính và các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, thị trường khác nhau.

anh moi
Các diễn giả trình bày tham luận tại diễn đàn.Ảnh: Gia Cư

Tham luận tại diễn đàn, với chủ đề Việt Nam – ứng phó với một thế giới biến động, ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã chỉ rõ rằng: bối cảnh thế giới 2021 vẫn tiềm ẩn rất nhiều bất trắc từ Covid-19 (chưa thể được kiểm soát cho dù có vaccines) đến các mối căng thẳng thương mại quốc tế song phương.

Theo đó, động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ đến từ sự phục hồi sức mua của thị trường nội địa, sự đầu tư tư nhân và xuất khẩu sang EU và ASEAN.

“Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và chủ động đàm phán với các đối tác thương mại lớn cần phải là ưu tiên chính sách trong năm nay để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh chúng ta vẫn phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đi lại quốc tế” - ông Thành nhấn mạnh.

TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt vấn đề, trong giai đoạn 10 năm tới, Việt Nam kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7%/năm.

Để hiện thực hoá các mục tiêu chiến lược kể trên, ba đột phá chiến lược có tính lâu dài bao gồm: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại và hội nhập. Huy động, sử dụng các nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường. Thứ hai, phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam. Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn và hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển mạnh hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số./.

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam