Triển khai nhiều luật quan trọng về kinh tế từ 1/1/2021

23:06 | 08/01/2021 Print
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang hoàn thiện các nghị định để hướng dẫn thi hành nhiều luật có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, gồm Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật PPP.

MPI

Hội nghị trực tuyến tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra chiều ngày 8/1.

Nâng cao chất lượng chuẩn bị, thẩm định các dự án đầu tư

Chiều 8/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Hội nghị nhằm tổng kết công tác năm 2020, đánh giá lại cả quá trình 5 năm vừa qua, cũng như đề ra kế hoạch triển khai Nghị quyết 01 năm 2021 của Chính phủ.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trong bối cảnh đó, một trong số những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ thời gian tới là nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh; tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong việc điều hành hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Tổ chức xây dựng và triển khai ngay kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sau khi được thông qua. Tập trung hoàn thành và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án của bộ quản lý; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng thẩm định các dự án lớn… Đồng thời, tiếp tục rà soát, thu hẹp phù hợp các ngành, lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn; phối hợp hiệu quả các cơ quan liên quan hoàn thiện cơ chế, chính sách để sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện; xây dựng và áp dụng khung quản trị doanh nghiệp phù hợp với chuẩn mực quốc tế tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã; phát triển mạnh kinh tế tư nhân, kết hợp hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Giảm thủ tục, thời gian khởi sự kinh doanh

Báo cáo về tình hình xây dựng thể chế pháp luật, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Hào Hùng cho biết, để triển khai Luật Đầu tư 2020 (có hiệu lực từ 1/1/2021), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã soạn thảo và hợp nhất 5 nghị định quy định chi tiết Luật này để xây dựng 2 nghị định, gồm Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và Nghị định quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.

Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ 2 dự thảo nghị định nêu trên và đang hoàn thiện nội dung theo ý kiến của các thành viên Chính phủ để trình Thủ tướng ký, ban hành. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã soạn thảo thông tư hướng dẫn biểu mẫu thực hiện thủ tục đầu tư để áp dụng ngay sau khi nghị định được ban hành.

Về Luật Doanh nghiệp năm 2020, cũng có hiệu lực từ 1/1/2021, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bùi Anh Tuấn cho biết, ngày 4/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp với nhiều thủ tục khác. Đây là các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp. Sau khi triển khai những quy định này, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam giảm từ 8 thủ tục với 16 ngày xuống chỉ còn 3 thủ tục với 6 ngày, giúp tạo nên bước tiến lớn trong khởi sự kinh doanh ở Việt Nam.

Thay đổi tư duy lựa chọn dự án PPP

Một luật quan trọng nữa cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật PPP đã có quy định về việc áp dụng cơ chế chia sẻ giảm doanh thu và nghị định hướng dẫn thi hành Luật PPP sẽ có hướng dẫn cụ thể, làm cơ sở để thu hút nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án PPP.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Trương cho rằng, bộ, ngành và địa phương cần lưu ý việc áp dụng cơ chế chia sẻ giảm doanh thu phải được quyết định từ bước phê duyệt chủ trương đầu tư dự án PPP; cùng với việc dự kiến nguồn lực để thực hiện việc chia sẻ giảm doanh thu bảo đảm tính khả thi của các hợp đồng PPP được ký kết.

Về mặt thực thi, trong quá trình chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới, bộ, ngành và địa phương cần xác định rõ nhu cầu đầu tư, nguồn lực từ ngân sách có thể huy động; từ đó xác định rõ được phần thiếu hụt và cần huy động từ khu vực tư nhân. Từ việc xác định rõ nhu cầu đầu tư, cần lựa chọn được dự án mới để đầu tư PPP một cách bài bản. "Việc thực hiện lựa chọn dự án PPP cần phải thay đổi tư duy từ cơ chế "xin cho" sang cơ chế "phục vụ". Lựa chọn được dự án PPP tốt sẽ giúp thu hút được nhà đầu tư, tổ chức tín dụng cho vay, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài", ông Nguyễn Đăng Trương phân tích.

Ngoài ra, để tiếp tục đẩy mạnh việc thu hút nhà đầu tư PPP, ông Nguyễn Đăng Trương đề nghị các bộ, ngành và địa phương lưu ý xử lý dứt điểm các dự án BT đang thực hiện ở bước phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đã ký kết hợp đồng và đang triển khai thực hiện, đảm bảo đáp ứng điều kiện chuyển tiếp theo quy định của Luật PPP và nghị định hướng dẫn thi hành Luật PPP./.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh các nhiệm vụ chủ yếu ngành cần tập trung triển khai thực hiện thời gian tới. Đồng thời, yêu cầu toàn ngành phải phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, quyết tâm hơn nữa, với niềm khát vọng vươn lên mạnh mẽ, để đưa đất nước phát triển hơn, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, tạo nền tảng phát triển vững chắc cho những năm tới, sớm thực hiện hóa khát vọng phát triển đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển thu nhập cao theo tinh thần nghị quyết của Đảng và Quốc hội.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam