Bất động sản công nghiệp, văn phòng được nhà đầu tư nước ngoài săn tìm

11:24 | 08/01/2021 Print
Giới chuyên gia bất động sản cho rằng, các nhà đầu tư bất động sản đến từ các nước châu Á - Thái Bình Dương đang săn tìm cơ hội ở Việt Nam nhiều hơn so với thị trường trong nước. Triển vọng nằm nhiều ở các phân khúc bất động sản công nghiệp, văn phòng hạng A.

bất-động-sản-công-nghiệp-hà-nam

Một góc Khu công nghiệp Đồng Văn, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, các nhà đầu tư và phát triển bất động sản (BĐS) nước ngoài đang tiếp tục quá trình gia nhập thị trường Việt Nam. Đối với những nhà đầu tư chưa hiện hữu tại thị trường Việt Nam, họ vẫn trong quá trình gia nhập thị trường và nhóm này đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng. Việt Nam ghi nhận sự phát triển đáng chú ý tại một số lĩnh vực bao gồm thương mại điện tử - ngành giúp thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp và hậu cần.

Các nhà đầu tư BĐS đến từ châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt từ các thị trường trưởng thành như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhìn thấy nhiều cơ hội ở Việt Nam hơn so với thị trường trong nước. Vì vậy, đang có một lượng lớn các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc dành sự quan tâm rất lớn cho thị trường Việt Nam.

Đại diện Savills cho rằng, hầu hết các nhà đầu tư quan tâm đến hai thành phố chính là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tuy nhiên cũng có không ít các nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại các địa điểm khác như TP. Hải Phòng; họ cũng khá quan tâm đến cơ hội đầu tư dành cho BĐS công nghiệp trên phạm vi cả nước.

Với nhóm doanh nghiệp trong nước, ghi nhận đang có một số nhà phát triển BĐS chủ yếu tập trung vào BĐS nhà ở, trong khi một số nhà đầu tư chuyên biệt tập trung vào lĩnh vực năng động như hậu cần, công nghiệp. Trong quá khứ, các nhà đầu tư chuyên biệt từng tập trung vào thị trường căn hộ hoặc nghỉ dưỡng. Với sự chuyển hướng sang lĩnh vực hậu cần và công nghiệp, mà xu hướng chính là lưu trữ và kho vận công nghiệp, các nhà đầu tư chứng tỏ được ưu điểm cập nhật, nắm bắt được xu hướng và đa dạng hóa các cơ hội kinh doanh. Chi phí hậu cần, kho vận tại Việt Nam vẫn còn cao so với các khu vực khác.

Khi các cơ sở hạ tầng mới được phát triển như xây dựng thêm các sân bay mới ở phía Nam, tuyến đường bộ mới, các tuyến vận chuyển mới và các cảng mới, thì chi phí này sẽ giảm xuống. Xu hướng này một phần còn được thúc đẩy bởi nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.

Các chuyên gia BĐS cũng cho rằng, ngày càng nhiều người Việt Nam tham gia vào hoạt động mua sắm thương mại điện tử và lui tới các cửa hàng vật lý. Điều này đòi hỏi nhiều hơn về hạ tầng giao thông, không gian lưu trữ, kho chứa hàng, vận chuyển và hậu cần, đây sẽ là một trong những lĩnh vực đầu tư trọng điểm trong năm nay.

Theo dữ liệu của Savills năm 2020, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, phân khúc văn phòng hạng A tại Hà Nội đang thu hút nhà đầu tư nước ngoài với mức tỷ suất vốn hóa hấp dẫn vào khoảng 6 - 7%. Với mức tăng dự kiến 6,3% vào năm 2021, Savills cho rằng, Việt Nam vẫn sẽ là một trong những quốc gia có tăng trưởng kinh tế mạnh nhất Đông Nam Á. Nhiều hiệp định thương mại tự do sẽ tác động đến hoạt động thị trường nhờ các cam kết thuế quan, cạnh tranh nâng cao, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh mẽ và tăng trưởng kinh tế nói chung.

Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khi ngày càng nhiều các công ty đa quốc gia xem xét chuyển sang, trong bối cảnh đó, văn phòng chất lượng cao có xu hướng hấp dẫn khách thuê nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI./.

Văn Tuấn

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam