Đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp: ‘Chuyển biến lớn’ sau 10 năm

23:06 | 04/11/2020 Print
Đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp trong 10 năm qua đã có những chuyển biến lớn. Giai đoạn tới, cần mạnh dạn thúc đẩy và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, tham gia liên doanh liên kết tại những nước có nền nông nghiệp phát triển cao.

Cao su

Cao su được nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trồng tại Lào và Campuchia. Ảnh: TL

Lào và Campuchia - 2 địa bàn hấp dẫn nhà đầu tư Việt Nam

Đánh giá tình hình đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) trong lĩnh vực nông nghiệp, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, 10 năm qua đã có những chuyển biến lớn.

Nếu giai đoạn ban đầu, ĐTRNN chỉ tập trung vào cây công nghiệp, cây cao su và tại một số ít địa bàn như Lào, Campuchia, thì trong 10 năm trở đây đã có sự mở rộng sang nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi và chế biến sữa, nuôi trồng thủy sản. Địa bàn đầu tư cũng đã được mở rộng ra nhiều nước như New Zealand, Hoa Kỳ, Nga, Australia, Slovenia…

Bên cạnh một số doanh nghiệp (DN) nhỏ, ngày càng có nhiều hơn sự tham gia của các tập đoàn lớn như Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), TH, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang.

Đáng chú ý, tính đến hết năm 2019, Lào và Campuchia vẫn là 2 địa bàn hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư Việt Nam. Tổng số các dự án ĐTRNN trong lĩnh vực nông nghiệp tại Campuchia là 55 dự án với tổng vốn đăng ký là 1,9 tỷ USD; tại Lào là 47 dự án với tổng vốn đăng ký là 857,79 triệu USD. Các ngành nghề đầu tư chủ yếu của Việt Nam tại 2 thị trường này là cây công nghiệp, trong đó đầu tư tại Lào là 32 dự án với tổng vốn đăng ký là 445,37 triệu USD, tại Campuchia là 48 dự án với tổng vốn đăng ký là 1,7 tỷ USD.

Chủ trương ĐTRNN được Chính phủ cụ thể hóa từ năm 2009, với đề án thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài được ban hành theo Quyết định 236/QĐ-TTg. Theo đó các DN Việt đẩy mạnh hoạt động ĐTRNN trong các lĩnh vực khai khoáng, dầu khí, nông lâm nghiệp, thủy điện, viễn thông và hạ tầng đô thị. Nhưng đến nay nổi bật nhất, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động này là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Lào và Campuchia.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) nhận định, các dự án ĐTRNN trong lĩnh vực ngày càng tăng do hành lang pháp lý về ĐTRNN ngày càng được hoàn thiện phù hợp với bối cảnh mới như: Nghị định 83/2015/NĐ-CP ngày 25/9/2015 hướng dẫn về ĐTRNN đã mở rộng phạm vi đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài của doanh nghiệp trong nước; Thông tư số 03/2018/TT-BKHĐT ngày 17/10/2018 về hướng dẫn và ban hành mẫu văn bản thực hiện thủ tục ĐTRNN. Sắp tới, khi Luật Ðầu tư 2020 có hiệu lực ngày 01/01/2021 cũng sẽ góp phần hoàn thiện hơn nữa pháp luật, chính sách ĐTRNN.

Đặc biệt, các DN ĐTRNN được Chính phủ, các bộ, ban ngành ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai. Việt Nam đã ký kết nhiều văn kiện, thỏa thuận hợp tác với Lào, Campuchia về đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam cũng đã tham gia các hiệp định về bảo hộ đầu tư, hiệp định thương mại tự do, hiệp định tránh đánh thuế hai lần với nhiều đối tác nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư Việt Nam...

Các doanh nghiệp cần mở rộng ngành nghề và thị trường

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, các dự án ĐTRNN còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do sự khác biệt về văn hóa, pháp luật và môi trường. Ngoài ra, giá cả cũng như thị trường nông sản thường xuyên biến động, đặc biệt trong năm 2020, do ảnh hưởng của Covid, việc xuất nhập khẩu, giao thương hàng hóa ở nhiều thị trường gián đoạn khiến nhiều DN Việt Nam ở nước ngoài gặp khó khăn lớn về tài chính...

Vì vậy giai đoạn tới, nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa ĐTRNN, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, ĐTRNN vào nông nghiệp có thể tập trung đầu tư vào những ngành nghề đem lại hiệu quả cho DN Việt Nam ở nước ngoài cũng như ngành nghề có tác dụng bổ trợ cho sản xuất trong nước như: Nuôi, trồng và chế biến nông, lâm, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ khoa học, kỹ thuật về gieo trồng, chăn nuôi, thủy sản, bảo vệ cây trồng, vật nuôi; cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào nông nghiệp...

Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng đầu tư tại các thị trường truyền thống và vị trí địa lý thuận lợi như Lào, Campuchia, ĐTRNN vào nông nghiệp có thể tiếp tục mở rộng sang ASEAN cũng như các thị trường có nền nông nghiệp phát triển cao như Châu Âu, Hoa Kỳ…

"Thời gian tới, cần mạnh dạn thúc đẩy và có chính sách hỗ trợ các DN đầu tư, tham gia liên doanh liên kết tại những nước có nền nông nghiệp phát triển cao. ĐTRNN sẽ gặp nhiều thử thách hơn nhưng cũng sẽ giúp DN nâng cao năng lực nội tại của công ty, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và thế giới, hình thành những công ty có giá trị vững chắc mang tầm quốc tế" - ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho hay.

Khánh Linh

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam