Tìm lời giải để doanh nghiệp Việt dẫn đầu chuỗi cung ứng

21:11 | 17/09/2020 Print
Để chuyển hóa lợi thế từ hiệp định EVFTA và CPTPP, thâm nhập vào các thị trường “rất khó tính” nhưng đầy tiềm năng, huy động vốn và quản trị nguồn vốn sẽ là hai trong những thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.

DN

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Tố Uyên

Tại lễ ra mắt khóa huấn luyện Chiến lược vốn và tài chính doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới với chủ đề “Chuyển hóa lợi thế từ hiệp định EVFTA và CPTPP - Đưa doanh nghiệp (DN) Việt dẫn đầu chuỗi cung ứng”, diễn ra ngày 17/9 tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế đánh giá, dịch bệnh Covid -19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, thương mại nước ta trong thời gian qua. Trong bối cảnh đó, Hiệp định EVFTA khi được đưa vào thực thi giúp tạo thêm động lực cho các DN Việt Nam phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh của mình.

Bên cạnh đó, DN còn có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

Trong bối cảnh đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, muốn cùng khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại (FTAs), DN Việt cần áp dụng 8 “học”: Tìm kiếm cơ hội kinh doanh dựa trên lợi thế so sánh và tuân thủ cam kết FTAs; xây dựng thương hiệu, trách nhiệm xã hội; quản trị bất định/ rủi ro; kết nối cùng chấp nhận cạnh tranh tại các thị trường tiêu chuẩn cao và đối tác; đối thoại và ứng xử theo luật pháp; đồng hành cùng Chính phủ thông qua đối thoại; nắm bắt chính sách, cải cách hiện hành và sắp tới; sáng tạo và chuyển động cùng cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó cần chú trọng các vấn đề như: sản phẩm mới, giải pháp đi kèm và tương tác khách hàng; kỹ năng; phương thức sản xuất kinh doanh “thông minh hóa” quản trị và quy trình sản xuất kinh doanh, “tối ưu hóa” chuỗi cung ứng, chuyển đổi số; đặc biệt, DN cần huy động vốn trong thị trường tài chính đa dạng, phức hợp, tinh xảo.

“Có thể thấy, để chuyển hóa lợi thế từ hiệp định EVFTA và CPTPP, đưa DN Việt dẫn đầu chuỗi cung ứng, huy động vốn và quản trị nguồn vốn sẽ là hai trong những thách thức lớn đối với DN Việt Nam thời 4.0, DN thực sự cần nỗ lực chuyển đổi để có thể thâm nhập vào các thị trường “rất khó tính” nhưng đầy tiềm năng này" - ông Thành nhấn mạnh.

Chia sẻ tại buổi lễ, nhiều DN cho biết, chúng ta vẫn nói nhiều thông tin về cơ hội từ CPTPP và EVFTA, nhưng đa số DN chưa thực sự am hiểu một cách cụ thể, tường tận cơ hội dành cho ngành hàng sản xuất, kinh doanh của mình. Hơn nữa, “DN cũng vướng phải nhiều rào cản khi khai thác FTAs thế hệ mới về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, minh bạch hóa về các quy trình sản xuất, tình trạng của DN, vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, sức ép cạnh tranh với hàng hoá ngoại nhập, nguy cơ đánh mất lợi thế trên thị trường vào tay các DN nước ngoài”, ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam cho biết.

Ông Hùng nhấn mạnh: “Tất cả những rào cản và khó khăn đó khiến cho DN chưa tìm thị trường phù hợp để xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như chưa tìm được cánh cửa tiếp cận với các chuỗi cung ứng. Từ khi dịch bệnh bùng phát gây ảnh hưởng đến nay, các DN vẫn loay hoay xoay xở để có dòng tiền nhằm vượt qua khó khăn, thách thức”.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh đó, giải pháp cơ bản đối với mỗi DN là đảm bảo các khung quản trị rủi ro trong chuỗi cung ứng và đảm bảo các nguồn vốn để duy trì sản xuất, kiểm soát tồn kho.

Song song với đó DN cần hoạch định lại các kế hoạch đầu tư theo thứ tự ưu tiên và cắt giảm các chi phí cố định, thay thế bằng các chi phí biến đổi. Đặc biệt, để nâng cao nội lực, DN nên chủ động phát huy cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0, từ từ Fintech theo cơ chế Sandbox của Chính phủ cũng như chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Đại diện cho các DN, chia sẻ về Khóa huấn luyện “Chiến lược Vốn và Tài chính Doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới”, bà Phạm Thị Thu Hiền - Giám đốc vận hành Công ty Verco cho biết: Đại dịch covid -19 đã gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, thương mại của Việt Nam, khiến DN khốn đốn. Song hiện tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đã được kiểm soát tốt, DN có thể phần nào yên tâm, tập trung vào phục hồi và phát triển trở lại. Với những khóa luấn luyện chuyên sâu sẽ góp phần giúp các DN chuyển hoá hiệu quả nhất cơ hội từ các hiệp định thế hệ mới nhờ các phương án giúp giải pháp để huy động vốn trong nước và toàn cầu; gia tăng giá trị hàng hóa cho sản phẩm; ga nhập chuỗi giá trị quốc tế, đưa thương hiệu việt thành công trên thị trường quốc tế…/.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam