Cộng hưởng chuyển đổi số, LienVietPostBank nắm lợi thế bứt phá

09:47 | 22/04/2021 Print
Sau ba năm dồn lực đầu tư, LienVietPostBank bắt đầu bứt phá mạnh mẽ ở nhiều chỉ tiêu trong khi vẫn đảm bảo hài hòa lợi ích khách hàng và an toàn hoạt động.

lien viet

LienVietPostBank chú trọng đầu tư công nghệ và chuyển đổi số. Ảnh: L.V

Lợi thế riêng có về mạng lưới là một phần lý giải, nhưng quan trọng hơn là tối ưu hóa lợi thế đó bằng cộng hưởng lực đẩy chuyển đổi số. Những năm 2018 và 2019, khi đại dịch Covid-19 chưa xảy ra, tại các kỳ đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), câu hỏi vẫn được đặt ra: Vì sao lợi nhuận LienVietPostBank chưa thực sự đạt như kỳ vọng và tương xứng với tiềm năng?

Câu trả lời từ đại diện lãnh đạo ngân hàng giai đoạn đó tập trung ở hai điểm cốt lõi: Thứ nhất và quan trọng nhất, LienVietPostBank đang trong quá trình tập trung đầu tư hạ tầng mạng lưới, đặc biệt ở kế hoạch nâng cấp các phòng giao dịch bưu điện thành phòng giao dịch ngân hàng, đi cùng với phát triển nhân sự, đòi hỏi chi phí hoạt động ban đầu lớn và một phần trực tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận; thứ hai, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao hàng năm chặt chẽ hơn trước.

Ở điểm thứ hai, sau khi lần lượt hoàn tất các trụ cột Basel II, giảm mạnh nợ xấu, đều đặn tăng vốn điều lệ, LienVietPostBank đã có đà tăng trưởng tín dụng tốt hơn nhiều so với bình quân ngành và so với nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) khác, khi đạt tới 25,65% trong năm 2020.

Năm 2020, bên cạnh gia tăng giá trị lợi thế riêng có về mạng lưới, LienVietPostBank cũng đã nâng cao khung năng lực quản trị rủi ro tiệm cận với thông lệ quốc tế, tất toán trước hạn toàn bộ dư nợ ở VAMC. Cùng đó, quy mô vốn điều lệ tiếp tục tăng lên và vượt mốc 10.000 tỷ đồng.

“Tiếp thu và thực thi chính sách của NHNN về ứng dụng công nghệ để phát triển dịch vụ. Với nền tảng công nghệ tốt cùng với chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của NHNN và quy định cho phép định danh tài khoản trực tuyến 100% sử dụng công nghệ eKYC đã giúp LienVietPostBank nhanh chóng triển khai sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là sản phẩm LienViet24h, từ đó giúp gia tăng thị phần khách hàng và tăng nguồn thu từ dịch vụ” - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phạm Doãn Sơn cho biết.

Cũng theo Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank, đầu tư công nghệ và chuyển đổi số tiếp tục là hướng ưu tiên trọng tâm trong năm 2021. Qua đó tiếp tục tối ưu hóa những lợi thế và thế mạnh sẵn có, để hướng tới hiệu quả cao hơn nữa trong triển vọng nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn năm nay, khi Việt Nam tiếp tục kiểm soát thành công dịch Covid-19 và lộ trình tiêm vaccine đang mở rộng.

Sau khi đạt lợi nhuận ấn tượng với 2.427 tỷ đồng năm 2020, dự kiến tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới, LienVietPostBank sẽ trình các chỉ tiêu cơ bản cho năm 2021 với tổng tài sản 282.600 tỷ đồng, lợi nhuận 3.200 tỷ đồng. Và ngay qua quý I/2021, tốc độ bứt phá đã tiếp tục thể hiện, khi lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt tới 1.112 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Trong đó, các trục hoạt động bán lẻ đều tăng trưởng mạnh mẽ, điển hình như tín dụng bán lẻ tăng tới 80%, thu thuần dịch vụ tăng gần 70%./.

P.V

P.V

© Thời báo Tài chính Việt Nam