CPTPP: Việt Nam đối mặt với thách thức lớn về lao động, công đoàn

18:38 | 30/01/2019 Print
Mặc dù được đánh giá sẽ là nước nhận được nhiều cơ hội, lợi ích kinh tế khi tham gia Hiệp định Đối tác chiến lược toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), song Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn về lao động việc làm, tổ chức công đoàn…

Cần hoàn thiện pháp luật về lao động

Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, CPTPP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có quy định nội dung về lao động. Quyền về lao động là một trong những vấn đề chính trong vòng đàm phán cuối cùng của CPTPP trước khi ký kết.

CPTPP nhấn mạnh nhiều đến quyền lao động, cũng như bảo vệ tính bền vững của môi trường, giúp người lao động và doanh nghiệp (DN) cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng.

Tuy nhiên, hiệp định này không đưa ra tiêu chuẩn riêng mà chỉ áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của ILO.

Theo đó, thể hiện trong 8 công ước cơ bản, bao gồm các nội dung về: quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động; xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp…

Theo đánh giá của Vụ Chính sách thương mại đa biên, trên thực tế Việt Nam đã và đang thực hiện các quy định của ILO theo kế hoạch chủ động của mình. Về những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động, cơ bản hệ thống pháp luật của Việt Nam đã phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết của hiệp định.

Nước ta đã và đang triển khai một số chương trình hành động quốc gia để thực thi các tiêu chuẩn trên trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, đối với cam kết về đảm bảo điều kiện lao động liên quan tới lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn lao động, hệ thống luật pháp của Việt Nam cũng cơ bản đã quy định đầy đủ về những nội dung này nên không có yêu cầu về việc sửa đổi, bổ sung.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn ba công ước cơ bản (Công ước số 87, 98 và 105) liên quan đến tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể và loại bỏ lao động cưỡng bức. Do đó, để đạt được điều này đòi hỏi nước ta cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống quan hệ lao động, phục vụ nhu cầu của người lao động, DN.

lao dong

Luật pháp Việt Nam cơ bản quy định đầy đủ về lương tối thiểu,

giờ làm việc và an toàn lao động Ảnh: TL

Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, vào CPTPP, người lao động Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội việc làm, lựa chọn nghề nghiệp, điều kiện lao động, thu nhập...; song, đòi hỏi và yêu cầu đặt ra rất lớn là lực lượng lao động cần được đào tạo để có kỹ năng nghề, công nghệ thông tin, nhất là về công nghệ mới. Rõ ràng, nếu không đáp ứng được điều kiện đặt ra, người lao động sẽ phải đối mặt với nguy cơ không có việc làm, thất nghiệp.

Công đoàn Việt Nam có đủ sức để cạnh tranh?

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, khi tham gia CPTPP, Công đoàn Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các tổ chức đại diện người lao động – điều này chưa từng có trong tiền lệ.

Trên thực tế, Công đoàn Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập như: sự cứng nhắc về mô hình tổ chức; tổ chức phong trào thuần túy, đơn điệu; chậm thích ứng với tình hình mới...

Do đó, một thách thức lớn đặt ra là Công đoàn Việt Nam sẽ phải bước vào cuộc cạnh tranh và thu hút đoàn viên công đoàn với tổ chức đại diện người lao động được thành lập ở cơ sở.

Bên cạnh đó, Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết thêm, vấn đề về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động, theo CPTPP và cũng phù hợp với quy định của ILO, Việt Nam và tất cả các nước tham gia CPTPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở DN.

Cũng theo cam kết trong CPTPP, riêng Việt Nam có được thời gian chuẩn bị là 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (tức là khoảng 7 năm kể từ khi ký hiệp định), để đến khi đó sẽ cho phép các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở DN có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch.

“Thời gian chuẩn bị này là để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động” - báo cáo của Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết.

Tuy nhiên, dù được gia hạn nhưng nếu không nhanh chóng nỗ lực đáp ứng, thích nghi với bối cảnh mới thì cả người lao động, DN và Công đoàn Việt Nam sẽ phải đối mặt với khó khăn rất lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả hội nhập CPTPP./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam