‘Bùng phát’ nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo

18:38 | 01/09/2015 Print
Hiện nay, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không giảm mà vẫn “bùng phát” do sự hám lợi của người chăn nuôi.

Xuất hiện phổ biến việc sử dụng chất tạo nạc là vấn đề “nổi cộm” trong cuộc họp báo thường kỳ về kết quả công tác tháng 8 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 9/2015 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 31/8/2015, tại Hà Nội.

Phát hiện tồn dư chất cấm trong các lô heo giết mổ

Tại cuộc họp báo, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, qua kiểm tra đột xuất tháng 8 tại một số địa phương cho thấy “bùng” lên việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo.

Cụ thể, Đoàn Thanh tra Bộ đã làm việc với Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh về việc phát hiện tồn dư chất cấm trong các lô heo giết mổ. Theo đó, Chi cục đã lấy 227 mẫu nước tiểu heo giết mổ của 51 lô, phát hiện 31 mẫu dương tính với hàm lượng cao từ 80 ppb – 1.300 ppb thuộc 7 lô heo, lập biên bản và ra quyết định xử lý vi phạm với 7 thương lái có heo kiểm tra dương tính với Sbutamol (một hóa chất tạo nạc đã bị cấm).

Trong 7 lô đó có 4 trường hợp có nguồn gốc xuất xứ từ Đồng Nai, 2 trường hợp ở Tiền Giang và 1 ở Long An. Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh đã có công văn gửi Chi cục các tỉnh về việc phối hợp xử lý vụ việc trên.

Đối với Đồng Nai, Chi cục Thú y đã kiểm tra 44 trang trại trong gần 2.000 trang trại trên địa bàn, phát hiện 14 trang trại có heo dương tính với Sbutamol. Chi cục đã ra quyết định xử phạt hành chính với các trang trại tập trung tại huyện Vĩnh Cử và Biên Hòa…

Theo ông Dũng, qua làm việc tại các địa phương cho thấy, vẫn còn những kẽ hở, bất cập trong hoạt động kiểm dịch, kiểm soát đàn heo chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thương lái, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đưa chất cấm vào trong chăn nuôi heo.

Bên cạnh đó, Đoàn phát hiện và truy xuất nguồn gốc lô heo của Công ty Anco và Công ty CP có chứa chất cấm. Hai công ty này đã từng khẳng định không sử dụng chất cấm trong thức ăn và trong chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, qua kiểm tra đột xuất, đoàn thanh tra đã phát hiện heo sau xuất bán của hai công ty có chứa chất cấm. Nguyên nhân là do công ty quản lý lỏng lẻo quá trình xuất bán và giám sát sau bán heo. Các thương lái mua heo của công ty và sau đó về nuôi vỗ béo, có sử dụng chất cấm, sau đó mới xuất bán.

Thu lợi bất chính

Theo đánh giá của ông Dũng, hiện nay những trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ, chất lượng và con giống kém, đã đưa chất cấm sử dụng trong quá trình chăn nuôi để tăng trọng nhằm thu lợi nhuận bất chính.

Một số cá nhân nhân, thương lái thuê lại các trang trại chăn nuôi rồi tiến hành thu mua heo đã xuất chuồng của các công ty để sử dụng chất cấm nuôi thúc vỗ béo. Heo sau khi được nuôi nhốt và sử dụng chất cấm trong thời gian 10-30 ngày sẽ đạt tăng trọng 20-30 kg, heo sẽ có trọng lượng khoảng 130-140 kg. Trừ chi phí, mỗi đầu heo sẽ tăng lợi nhuận từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đồng thời, quay vòng phiếu tiêm phòng, hợp lý hóa thủ tục để tiến hành xin cấp giấy kiểm dịch của cơ quan thú y.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết thêm, có một số nguyên nhân khiến chất cấm không giảm mà vẫn bùng phát. Thứ nhất do áp lực về giá heo cao, nên người chăn nuôi hám lợi, dẫn đến tăng trọng cho heo.Thứ hai, do áp lực của thương lái. Thứ ba, các địa phương hơi sao nhãng trong việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình chăn nuôi và cuối cùng là trách nhiệm của ngành chưa cao.

Đề xuất giải pháp trong tháng 9, ông Dương nhấn mạnh, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Thanh tra Bộ tiếp tục đôn đốc các đơn vị chức năng, phối hợp với cơ quan công an nhanh chóng điều tra, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm, các tổ chức, cá nhân vi phạm để xử lý nghiêm trước pháp luật.

"Đặc biệt, Đoàn công tác sẽ tiếp tục kiểm tra đột xuất một số cơ sở và xử lý nghiêm nếu có vi phạm", ông Dương nói.

Phúc Nguyên

Phúc Nguyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam