Công nghiệp hỗ trợ nông, lâm, thủy sản: Vừa yếu, vừa lạc hậu

15:27 | 27/08/2015 Print
Hiện nay, DN chưa chú ý đúng mức đến việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các sản phẩm của mình, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu… Vì vậy, Nhà nước cần ban hành chính sách ưu đãi phù hợp để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.

chế biến

Ảnh minh họa. Ảnh: T.L

Công nghiệp hỗ trợ vừa yếu, vừa thiếu

TS. Nguyễn Mạnh Dũng, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, tham gia công nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản của Việt Nam ngoại trừ một số ít DN FDI còn lại hầu hết là các DN có quy mô nhỏ, công nghệ và thiết bị lạc hậu...

Điển hình như trong ngành chế biến gạo, quy mô các DN chế biến lúa gạo Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ. Chỉ có 18 DN có công suất trên 100.000 tấn lúa/năm. Các DN còn lại có công suất dưới 10.000 tấn lúa/năm là những DN nhỏ, nằm rải rác khắp nước, thường chỉ sử dụng một máy xay xát liên hợp.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản cho biết, đối với DN chế biến tôm, hiện nay chỉ hoạt động khoảng 60 - 70% công suất thiết kế do nguồn nguyên liệu phụ thuộc mùa vụ, quy hoạch nhà máy chế biến chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu.

Bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam cũng chia sẻ, tổng công suất thiết kế của các nhà máy chế biến cao su vào khoảng hơn 1.174 tấn sản phẩm/năm, cao hơn sản lượng cao su hiện có của cả nước. Tuy nhiên, các sản phẩm cao su hiện nay vẫn chỉ là sản phẩm sơ chế, dành để xuất khẩu (87,3%). Mức độ sử dụng dây chuyền chế biến trong ngành chưa cao, đạt mức bình quân chung là 77,8% công suất thiết kế. Điều đáng nói là có DN chỉ sử dụng hết có 36,9% công suất thiết kế…

Ngành chè cũng không nằm ngoại lệ, khi hiện nay có 45% các DN nhà máy chế biến chè nhỏ với công suất chế biến dưới 10 tấn búp tươi/ngày. Chỉ có 3,1% tổng số DN có quy mô lớn, chế biến được 100 tấn búp tươi/ngày.

Theo phân tích của ông Nguyễn Mạnh Dũng, nguyên nhân khiến công nghiệp hỗ trợ trong nông lâm, thủy sản còn yếu và lạc hậu là do liên kết dọc theo chuỗi giá trị, cũng như liên kết ngang giữa các DN chế biến với nhau và với các DN sản xuất sản phẩm phụ trợ chưa hình thành, hoặc nếu đã có thì vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, thiếu chặt chẽ. Phần lớn sản phẩm xuất khẩu ở dạng sơ chế; mẫu mã chậm đổi mới và chưa theo kịp những biến đổi của thị trường….

Cổ phần hóa để tạo sức bật cho doanh nghiệp

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho chế biến nông sản một cách tương xứng, ông Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, trước tiên, cần đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH), chuyển đổi các DN chế biến nông sản thuộc sở hữu nhà nước sang sở hữu các thành phần kinh tế.

Theo ông Dũng, hiện hầu hết các DN chế biến nông sản thuộc sở hữu nhà nước đều có hiệu quả hoạt động không cao. Thực tế, các DN này một mặt sở hữu những dây chuyền, thiết bị chế biến lạc hậu, vừa sử dụng nhiều lao động, lại tạo ra những sản phẩm có giá thành cao và chất lượng thấp, không ổn định. Đồng thời, là những DN trình độ quản trị kém, chậm đổi mới cả công nghệ, thiết bị chế biến, khó tiếp cận vốn…

Vì vậy, “CPH chuyển đổi hình thức sở hữu của các DN này phải được coi là định hướng chủ đạo trong quá trình tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra, “cần thực hiện đầu tư mới và chuyển đổi các DN chế biến nông sản hiện chỉ thực hiện sơ chế, chế biến những cái mình có sang thực hiện chế biến tinh, chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm vừa có giá trị gia tăng cao, vừa phù hợp với thị hiếu thị trường và nâng cao hiệu quả chế biến”, ông Dũng cho biết thêm.

Song song đó, đẩy mạnh phát triển loại hình DN khoa học công nghệ vừa để tạo ra động lực phát triển DN chế biến nông sản, vừa để thực hiện mục tiêu đã đề ra là “giảm 50% tổn thất sau thu hoạch so với hiện nay của các loại nông sản”./.

Diệu Hoa

Diệu Hoa

© Thời báo Tài chính Việt Nam