Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật: DN lo mất trắng tiền tỷ

13:24 | 27/08/2015 Print
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BTVT) lo ngại có thể bị thiệt hại cả nghìn tỷ đồng vì Thông tư 21 của Bộ NNPTNT. Hiện đã có hàng chục DN ký tên vào bản kiến nghị sửa đổi Thông tư này.

Ngày 24/8, Cục BTVT, Bộ NNPTNT đã có công văn trả lời Hội DN sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV (VIPA) về những kiến nghị liên quan đến Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT về quản lý thuốc BVTV, có hiệu lực từ 1/8/2015.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIPA, câu trả lời của Cục không thuyết phục được các DN.

Vấn đề khiến DN khó khăn nhất, bức xúc nhất của Thông tư 21 nằm tại Mục b, Khoản 5, Điều 5. Theo đó, mỗi DN chỉ được đăng ký 01 hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc BTVT. Điều này đồng nghĩa với việc loại bỏ các hàm lượng hoạt chất khác mà các DN đã đăng ký vào danh mục thuốc BTVT được phép sử dụng ở Việt Nam.

Không phù hợp tinh thần tự do kinh doanh

Trong công văn ngày 30/6 gửi các cơ quan chức năng, VIPA cho rằng qui định này thiếu cơ sở khoa học, không mang lại lợi ích nào cho việc quản lý, sản xuất, kinh doanh thuốc BTVT.

VIPA nhấn mạnh rằng quy định này không được thể hiện trong Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Hơn nữa, cũng không phù hợp với tinh thần tự do kinh doanh đã được xác lập tại Điều 33 Hiến pháp năm 2014 và tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Theo đó, DN được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh…

Văn bản của VIPA cho rằng: "Rất ít nước – nếu không nói là không có nước nào - quy định chỉ được đăng ký 01 hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc BTVT. Tại Việt Nam, các ngành thú y, y tế… cũng không hề quy định tương tự".

“Nếu quy định này được thực hiện, hàng ngàn chế phẩm bị loại ra khỏi danh mục, đồng nghĩa với việc thất thoát hàng ngàn tỷ đồng là tài sản kinh doanh của DN. Ai sẽ bù đắp cho mất mát này của DN?”, văn bản của VIPA do Chủ tịch Trần Quang Hùng ký đặt vấn đề.

Quan điểm chính thức của Cục BTVT

Tại công văn ngày 24/8, Cục BTVT khẳng định quy định nói trên nhằm tháo gỡ bớt khó khăn cho nông dân trong việc lựa chọn, sử dụng thuốc BTVT và góp phần bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh những các DN kinh doanh thuốc.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, quy định hạn chế này là chưa thống nhất với tinh thần của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, bởi Luật không giới hạn về điều kiện này đối với các chủ thể đứng tên đăng ký thuốc BTVT.

“Quy định này không làm ảnh hưởng đến đối tượng dịch hại, đối tượng cây trồng mà DN đã đăng ký. Chỉ cần 1 hàm lượng của mỗi dạng thành phẩm thuốc là có thể pha chế ra bất cứ nồng độ nào để sử dụng, vì vậy quy định 2 hoặc 3 hoặc nhiều hơn hàm lượng của mỗi dạng thuốc thành phẩm là không cần thiết”, văn bản do Cục trưởng Cục BTVT Nguyễn Xuân Hồng ký khẳng định.

Trước lo ngại của VIPA là hàng ngàn chế phẩm sẽ bị loại ra khỏi danh mục thuốc được phép sử dụng, Cục BTVT khẳng định rằng cách hiểu như vậy không đúng tinh thần của Thông tư 21. Tất cả các đối tượng dịch hại và cây trồng của thuốc thành phẩm đã đăng ký và có tên trong Danh mục vẫn được giữ nguyên, chỉ cần hướng dẫn lại nồng độ, liều lượng để phù hợp với 01 hàm lượng của thuốc.

Cũng theo Cục này, Thông tư đã có điều khoản chuyển tiếp về lộ trình 5 năm áp dụng quy định, giảm thiểu ảnh hưởng tới việc kinh doanh của DN. Ngoài ra, Cục cũng khẳng định đã nhận được ý kiến của nhiều DN trong và ngoài nước hoan nghênh quy định này.

“Chưa thuyết phục”

Phản ánh tới Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng: "Giải thích và hướng dẫn của Cục là thiếu tính thực tiễn, chưa thuyết phục".

Theo ông Sơn, thành phần thuốc BVTV thương phẩm bao gồm hoạt chất và nhiều chất phụ gia khác nhau. Thuốc BTVT có thể gây độc cho cây trồng không những bởi hoạt chất mà còn bởi dung môi và tạp chất.

Mỗi dạng thuốc thương phẩm được sản xuất theo một tiêu chuẩn kỹ thuật riêng, chỉ phù hợp pha thành một số nồng độ để phòng trừ cho một số dịch hại trên một vài cây trồng, chứ không thể pha thành bất cứ nồng độ nào để trừ nhiều dịch hại trên tất cả các loại cây trồng.

Đăng ký nhiều hàm lượng khác nhau cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc BTVT sẽ giúp cho DN chủ động trong việc đưa ra hàm lượng phù hợp để có hiệu quả phòng trừ dịch hại cao và giá thành hợp lý nhất cho người sử dụng.

Trước đây, Bộ NNPTNT không quy định hạn chế số hàm lượng đăng ký cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc BVTV, vì vậy rất nhiều DN đã đăng ký một dạng thành phẩm với nhiều hàm lượng hoạt chất của một loại thuốc BTVT thương phẩm. DN đã phải đầu tư chi phí khá lớn để đăng ký thuốc vào danh mục (khoảng 200 triệu đồng/tên thương phẩm); phải tốn thêm rất nhiều chi phí, công sức để đưa được sản phẩm ra thị trường cho đến khi được bà con nông dân chấp nhận sử dụng; tốn nhiều tỷ đồng cho quảng cáo, quảng bá, phát triển thị trường, hướng dẫn sử dụng đến tận bà con nông dân. Vì thế mỗi tên thương phẩm đã trở thành tài sản của doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch VIPA Trần Quang Hùng, hiện tại Việt Nam có khoảng 400-500 loại hoạt chất với khoảng 3.900 chế phẩm. Nếu mỗi DN chỉ được đăng ký 01 hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm, số lượng chế phẩm sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 2.500-3.000, tức giảm khoảng 1/3.

Để so sánh, ông Hùng cho biết Thái Lan hiện có khoảng 5.000 chế phẩm và sẽ tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, để sản xuất ra một chế phẩm mới, từ khâu tìm kiếm, đăng ký cho tới quảng cáo, chi phí mà DN bỏ ra ít nhất là 1 tỷ đồng.

“Dựa vào cơ sở khoa học nào mà đưa ra qui định chỉ được đăng ký 1 hàm lượng mà không là 2 hoặc 3… cho mỗi dạng thành phẩm. Hiện nay, Bộ NNPTNT chưa có qui định cho mỗi dạng thành phẩm với hàm lượng hoạt chất tối ưu nên quy định này thiếu cơ sở khoa học”, ông Trần Quang Hùng khẳng định.

“Sau 5 năm, doanh nghiệp chỉ được sản xuất, kinh doanh 01 hàm lượng hoạt chất duy nhất (1 tên thương phẩm), không được kinh doanh các hàm lượng hoạt chất khác đã được đăng ký trước đây. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải mất đi chi phí đầu tư ban đầu. Thiệt hại này là vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp, xã hội cũng mất đi một khối tài sản lớn”, ông Hùng nói.

Hơn nữa, theo VIPA, với quy định này, cơ quan quản lý còn tự gây khó cho mình. Nhiều hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm không làm tăng thêm tên thương phẩm nên không ảnh hưởng đến công tác quản lý. Ngược lại, nếu quy định như trên, một tổ chức, cá nhân có thể lập ra nhiều công ty để đăng ký thêm hàm lượng cho mỗi dạng thành phẩm để giữ thị phần, điều đó càng gây khó khăn cho công tác quản lý, phát sinh thêm tên thương phẩm, tốn kém chi phí cho Nhà nước và cả DN.

Ông Trần Quang Hùng lo ngại, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, đặc biệt khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập cuối năm 2015, DN Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh được nếu không đăng ký được nhiều chế phẩm, trong khi DN các nước được đăng ký.

“DN đã góp ý ngay từ dự thảo lần 1 thông tư nhưng không được tiếp thu. Nếu không được xem xét kỹ và chỉnh sửa, giá thuốc sẽ tăng cao dẫn đến chi phí đầu vào của nông sản tăng, người sử dụng thuốc chịu nhiều thiệt thòi do không có nhiều sự lựa chọn, các DN sản xuất và kinh doanh thuốc BTVT trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết đến nay đã có gần 40 DN ký tên vào bản kiến nghị mới về vấn đề này. Dự kiến trong thời gian sớm nhất, VIPA sẽ gửi văn bản này để kiến nghị Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát trực tiếp xem xét và giải quyết./.

Theo chinhphu.vn

Theo chinhphu.vn

© Thời báo Tài chính Việt Nam