Vì sao có tới 78% DN chưa một lần được tham vấn chính sách?

17:33 | 12/08/2015 Print
Nhiều DN còn thờ ơ trong việc góp ý chính sách và các văn bản pháp luật, không ít DN coi đó là việc của “mấy ông trên Trung ương”, chứ không phải là việc của DN. DN chỉ quan tâm đến pháp luật khi nảy sinh sự việc như khi bị thanh tra, kiểm tra, xử phạt, khi phải đóng thuế...

Đây là một trong những nội dung được nêu ra tại Hội thảo Vận động chính sách trong bối cảnh mới: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 12/8, tại Hà Nội.

Quá nhiều DN không biết đến chính sách mới

Mỗi năm, các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành khoảng 1.000 văn bản pháp luật, trong đó có khoảng 50% quy định trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của DN, khoảng 20% có tác động gián tiếp đến hoạt động kinh doanh.

Tuy vậy, tình trạng phổ biến hiện nay là các DN không biết đến chính sách mới hoặc biết quá chậm khi chính sách đã được ban hành và đi vào thực hiện. Do thiếu sự trao đổi, lấy ý kiến trong quá trình soạn thảo nên nhiều quy định không phù hợp với cuộc sống, nhanh chóng nảy sinh bất cập và phải sửa đổi.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho rằng, thực trạng trên xuất phát từ việc cơ quan nhà nước chưa thực hiện tốt nghĩa vụ tham vấn của mình. Theo một kết quả khảo sát của VCCI, có tới khoảng 78% DN chưa bao giờ được hỏi ý kiến về dự thảo pháp luật.

“Theo quy định, trước khi ban hành một văn bản pháp luật, cơ quan soạn thảo đều phải lấy ý kiến rộng rãi của nhiều ban, ngành liên quan, của cộng đồng DN, tổ chức, hiệp hội,… nhưng trên thực tế, nhiều cuộc tham vấn chỉ “làm cho có” hoặc lấy ý kiến DN chỉ tập trung vào những tập đoàn, DN lớn còn bộ phận lớn DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ thì rất ít khi được lấy ý kiến”, ông Tuấn chia sẻ.

Ghi nhận từ phía DN, bà Đỗ Thu Phương, đại diện Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Tân Phong chia sẻ, DN chưa bao giờ nhận được một phiếu khảo sát lấy ý kiến từ các bộ, ban ngành chức năng trong việc góp ý xây dựng chính sách hay ban hành văn bản pháp luật,…

Chung quan điểm, ông Đặng Thế Lưỡng, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp quận Hải Châu, TP. Hải Phòng chia sẻ, nhiều năm qua hiệp hội địa phương được các cơ quan chức năng lấy ý kiến rất ít hoặc những ý kiến phản ánh của hiệp hội chỉ được ghi nhận mà ít có sự tiếp thu, giải trình rõ ràng rằng góp ý đúng hay sai, vì sao…

Vận động chính sách
Các đại biểu tham gia trao đổi tại Hội thảo

Theo một điều tra của VCCI, sự thay đổi về chính sách có tác động lớn thứ hai đến hoạt động của các DN, chỉ sau sự thay đổi về tỷ giá, lạm phát và lãi suất. Những sự thay đổi này có thể mang lại những cơ hội mới cho DN, nhưng cũng có thể sẽ khiến DN điêu đứng. Đồng thời, các DN là đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách pháp luật sẽ dễ dàng phát hiện những điểm chưa hợp lý của văn bản pháp luật. Bởi vậy, "các cơ quan chức năng cần tham vấn rộng rãi ý kiến cộng đồng DN để chính sách khi ban hành hiệu quả, tạo động lực cho sự phát triển của DN”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

“Con khóc mẹ mới cho ....”

Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, hệ quả của việc nhiều chính sách bất cập, thiếu tính khả thi, bên cạnh “lỗi” của cơ quan nhà nước khi chưa thực hiện tốt trách nhiệm tham vấn, nhưng một phần cũng do phía DN. Nhiều DN còn thờ ơ trong việc góp ý chính sách và các văn bản pháp luật, không ít DN coi đó là việc của “mấy ông trên Trung ương”, chứ không phải là việc của DN. DN chỉ quan tâm đến pháp luật khi nảy sinh sự việc như khi bị thanh tra, kiểm tra, xử phạt, khi phải đóng thuế hoặc làm các thủ tục hành chính,…

“Nhiều cơ quan soạn thảo phản ánh họ đã hỏi ý kiến DN, nhưng DN không trả lời, hoặc chất lượng của ý kiến rất thấp khiến cơ quan soạn thảo luật không thu được thông tin gì và không muốn tiếp tục lấy ý kiến ở những lần sau”, ông Huệ chia sẻ.

Ông Đậu Anh Tuấn cũng cho biết, không thể phủ nhận thời gian qua, nhiều chính sách được đưa ra một cách áp đặt, không quan tâm đến các ý kiến của đối tượng chịu tác động, nhưng rõ ràng quá trình tham vấn chính sách đang có những chuyển biến, có trường hợp DN kiến nghị và cơ quan nhà nước đã sửa đổi quy định pháp luật chưa hợp lý.

“Con có khóc mẹ mới cho bú”, DN tham gia vào xây dựng chính sách, pháp luật là hoàn toàn có thể và mang lại lợi ích thực tế. Bởi vậy, DN cần chủ động trong việc tham gia vào quá trình góp ý chính sách bởi chính họ là đối tượng thụ hưởng chính sách đầu tiên”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Để làm được điều đó, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, trước hết DN cần chủ động theo dõi thông tin về chính sách, pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng, các website của các cơ quan chính phủ, bộ, ban ngành chức năng.

Bên cạnh đó, cần liên kết với các bên liên quan để vận động chính sách như hiệp hội DN, báo chí hay các tổ chức có liên quan để làm tăng tính thuyết phục cho các ý kiến đóng góp.

Đặc biệt, DN cần phát hiện bất cập, góp ý xây dựng chính sách trên tinh thần xây dựng, mang lại lợi ích chung cho cả cộng đồng, tránh tư tưởng lợi ích nhóm, cục bộ trong góp ý xây dựng chính sách.

“Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sẽ có hiệu lực từ 1/7/2016) đã tăng thêm những quy định nhằm tạo điều kiện cho DN và người dân tham gia xây dựng pháp luật như tăng thời gian trả lời kể từ khi DN nhận được đề nghị góp ý,… Vì vậy, DN, hiệp hội,… cần chủ động sử dụng quyền của mình trong đóng góp xây dựng chính sách để mang lại lợi ích cho chính mình”, ông Trần Văn Lợi, Phó trưởng Phòng Công tác xây dựng pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết./.

Bài và ảnh: Thiện Trần

Bài và ảnh: Thiện Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam