FTA Việt Nam - EU sẽ tác động tích cực tới xuất khẩu giày dép và dệt may

21:15 | 10/08/2015 Print
Trong bối cảnh mặt hàng giày dép và dệt may là nguồn thu xuất khẩu chính yếu của Việt Nam, việc bãi bỏ các mức thuế suất này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

EU

Đây là nhận định của các chuyên gia ngân hàng HSBC tại báo cáo được công bố ngày 10/8, về tác động của Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU vừa kết thúc đàm phán mới đây.

Tự do hoá đầu tư và dịch vụ

Là “hiệp định FTA tham vọng và toàn diện nhất mà EU đã từng ký kết với một quốc gia đang phát triển”, hiệp định FTA với Việt Nam không chỉ giảm thuế suất đối với các mặt hàng nhạy cảm như giày dép, mà còn thúc đẩy tự do hóa đầu tư và dịch vụ, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam.

Với hiệp định này, HSBC cho rằng EU trong thời gian tới sẽ thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc trong vai trò đối tác thương mại của Việt Nam.

Khác với nhiều FTA giữa các nền kinh tế đang phát triển và phát triển, hiệp định FTA giữa EU và Việt Nam là một hiệp định đầy tiềm năng và tương đối toàn diện. Hiệp định này sẽ giải quyết các rào cản phi thuế quan đối với thương mại liên quan đến các tiêu chuẩn và quy định, cung cấp bảo hộ sở hữu trí tuệ bao gồm cả chỉ dẫn địa lý, tự do hóa mua sắm chính phủ, áp đặt quy tắc về hỗ trợ cho các DNNN, tự do hóa dịch vụ và đầu tư (mặc dù quy định cho việc giải quyết tranh chấp chủ đầu tư nhà nước vẫn còn đang đàm phán), thúc đẩy bảo vệ xã hội và môi trường cũng như quyền con người.

Một trong các vấn đề quan trọng nhất của hiệp định liên quan đến tự do hóa các hợp đồng công Việt Nam đối với các công ty thuộc liên minh EU và tạo sân chơi bình đẳng giữa các DNNN và DN tư nhân.

"Hiện nay, mặc dù số lượng DNNN đã giảm, thị phần của họ trong nền kinh tế còn rất lớn. Việc mở cửa các ngành dịch vụ bao gồm ngân hàng, dịch vụ môi trường, bảo hiểm, vận tải biển và các dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh cũng sẽ mang lại những thay đổi tích cực đối với toàn cảnh hoạt động đầu tư và dịch vụ tại Việt Nam", báo cáo của HSBC đánh giá.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam

Báo cáo của HSBC cho rằng: Đối với xuất nhập khẩu, trong bối cảnh mặt hàng giày dép và dệt may là nguồn thu xuất khẩu chính yếu của Việt Nam, việc bãi bỏ các mức thuế suất này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Mặc dù các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi từ Chương trình Ưu đãi Thuế quan phổ cập của EU kể từ năm 2012, thuế suất cao vẫn được áp dụng ở một số lĩnh vực khác. Ví dụ, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày dép vẫn chịu mức thuế suất khoảng 11,9%.

"Một điều đáng chú ý là quy định nghiêm ngặt của hiệp định về xuất xứ của mặt hàng may mặc. EU sẽ yêu cầu sử dụng các loại vải được sản xuất tại Việt Nam, với ngoại lệ duy nhất được nêu vải từ Hàn Quốc, một đối tác FTA khác của EU (và có thể với các loại vải của EU). Như vậy, một số DN nước ngoài sẽ được khuyến khích di chuyển một số khâu sản xuất đến Việt Nam để tận dụng lợi thế của FTA", HSBC phân tích và bình luận.

Đánh giá chung, HSBC cho rằng tuy những cải cách được thực hiện chậm, nhưng Việt Nam đã đi đúng hướng, mang lại nhiều kết quả tích cực. Hiệp định FTA với liên minh EU sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình này, giúp cải thiện triển vọng cho đất nước. Tăng trưởng được dự báo sẽ đạt 6,3% trong năm 2015 và và 6,5% trong năm 2016.

Thời gian tới, hai bên cần hoàn thiện các văn bản, sau đó sẽ tiến hành phê chuẩn hiệp định và đưa hiệp định hiệu lực này đi vào thực hiện. Trong trường hợp của liên minh EU, quá trình phê chuẩn có thể mất một năm hoặc nhiều hơn tùy thuộc vào tốc độ xem xét của cả Hội đồng và Nghị viện châu Âu và bản chất của tham vấn cần thiết với các nước thành viên liên minh EU./.

D.A

D.A

© Thời báo Tài chính Việt Nam