EVFTA làm tăng niềm tin của doanh nghiệp châu Âu

13:21 | 08/08/2015 Print
Niềm tin kinh doanh, triển vọng và kỳ vọng vào tương lai của DN châu Âu tại Việt Nam quý II tăng nhẹ, ở mức 77 so với mức 75 của quý I/2015 là nhờ sự tác động của việc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

doanh nghiệp châu âu

Ảnh minh họa.

Đây là một nội dung trong Báo cáo Kết quả khảo sát chỉ số kinh doanh của các DN châu Âu tại Việt Nam quý II/2015.

Các DN tham gia khảo sát đến từ các ngành nghề khác nhau, với số lượng nhân viên dao động từ 50 - 500. Đa số DN phản hồi thuộc ngành dịch vụ và sản xuất.
Theo kết quả khảo sát hàng quý lần thứ 18 về "Chỉ số môi trường kinh doanh" (BCI) EuroCham vừa công bố, trong quý II/2015, chỉ số này tăng nhẹ, đạt mức 77 (chỉ số quý I là 75).

Ông Michael Behrens, Phó Chủ tịch EuroCham nhận xét: “Chúng tôi tin rằng kết quả này có liên quan tới việc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU”.

Khi được hỏi DN nhận định như thế nào về tổng quan môi trường kinh doanh ở Việt Nam, 57% DN trả lời “tốt”, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số phản hồi, tăng đáng kể so với 45% của quý I.

Số DN phản hồi “trung bình”, chiếm 27% (giảm nhẹ so với 31% quý I). Còn các nhận xét “xuất sắc”, “không tốt ”, “rất xấu” chỉ ở mức 1 con số, lần lượt là 6%, 8% và 3%.

Tham gia khảo sát về kế hoạch nhân sự, 48% DN cho biết họ dự định tăng nhẹ số lượng nhân viên, trong khi đó 35% DN cho biết sẽ duy trì số lượng hiện tại.

Kết quả khảo sát kế hoạch nhân sự phản ánh đúng kế hoạch đầu tư trung hạn của các DN. Đa số DN (41%) tham gia khảo sát cho biết họ dự định tăng nhẹ đầu tư vào Việt Nam. Còn số DN nghiệp có kế hoạch duy trì mức đầu tư hiện tại chiếm 39%.

Chiếm tỷ lệ lớn nhất (55%) trong số DN tham gia khảo sát cho biết kì vọng số lượng đơn hàng/doanh thu tăng nhẹ; 21% DN dự đoán số lượng đơn hàng/doanh thu sẽ không thay đổi.

Ở khía cạnh khác, DN tham gia khảo sát cho rằng 6 tháng tới tỷ lệ lạm phát sẽ giảm, còn 3,4% so với 5,25% quý I.

Về tốc độ và sự ổn định của đường truyền Internet trong thời gian vừa qua, khảo sát quý này đề cập đến chủ đề chất lượng đường truyền Internet qua 4 câu hỏi.

Khi được hỏi “chất lượng Internet ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh”, đa số DN (chiếm 47%) phản hồi rằng hoạt động của họ bị “ảnh hưởng đáng kể”. Kế đến là nhóm DN phản hồi hoat động của họ bị “ảnh hưởng phần nào”. Chỉ 2% cho biết không gặp phải gián đoạn. 13% cho biết “không đáng kể” và 8% phản hồi “ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Về “chất lượng Internet ảnh hưởng như thế nào đến hộ gia đình/phi kinh doanh”, kết quả tương tự với đa số phản hồi là “chậm đáng kể” (42%). Nhóm thứ hai, phản hồi “mất kết nối” (33%); 17% DN phản hồi “ảnh hưởng phần nào”; 8% số DN cho biết vấn đề Internet không đáng kể và 1% cho biết “không có gián đoạn”.

Khi khảo sát đánh giá của DN về giá dịch vụ Internet tại Việt Nam so với các thị trường khác, 49% số DN cho rằng “hợp lý”, chiếm tỷ lệ lớn nhất; 30% cho biết “giá cả phải chăng”; 5% DN cho là “đắt đỏ”.

Khi được hỏi “DN có sẵn sàng chi trả cao hơn cho chất lượng Internet tốt hơn”, phần lớn DN (chiếm 72%) phản hồi sẵn sàng trả phí cao hơn nếu tốc độ Internet nhanh hơn và không bị gián đoạn, trong khi 20% DN cho biết họ không muốn trả phí cao hơn mức hiện tại; 8% phản hồi sẵn sàng trả phí cao hơn cho cùng tốc độ Internet nhưng không bị gián đoạn.

Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) đánh giá cảm quan kinh doanh của các DN châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam. Chỉ số này báo hiệu sớm những bước ngoặt trong hoạt động kinh tế và theo dõi sự thay đổi của niềm tin kinh doanh của DN./.

Theo chinhphu.vn

Theo chinhphu.vn

© Thời báo Tài chính Việt Nam