Dự án LIFSAP: Hỗ trợ hơn 10.000 hộ chăn nuôi cải thiện điều kiện môi trường

09:14 | 04/06/2015 Print
Dự án LIFSAP do Ngân hàng Thế giới tài trợ với tổng số vốn 79,03 triệu USD, thực hiện trên 12 tỉnh đến nay đã tạo ra sản phẩm chăn nuôi có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Nguyễn Xuân Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án LIFSAP (Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm) đã phát biểu như vậy tại Hội thảo “Tổng kết hoạt động triển khai thực hành chăn nuôi lợn, gà an toàn trong nông hộ” do Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức ngày 3/6/2015, tại Hà Nội.

Đánh giá về hoạt động triển khai thực hành chăn nuôi lợn, gà an toàn trong nông hộ thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Anh Tuấn cho biết, dự án đã hỗ trợ trang thiết bị an toàn sinh học cho gần 10.000 hộ chăn nuôi, chiếm 88% số hộ GAHP (khuyến khích thực hành chăn nuôi an toàn trong vùng ưu tiên); hỗ trợ sửa chữa chuồng trại cho trên 6.500 hộ thành viên GAHP (Thực hành sản xuất chăn nuôi tốt) và 529 hộ hình mẫu.

Song song đó, hoạt động quản lý chất thải và nâng cấp các biện pháp an toàn sinh học được tăng cường với việc hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo chuyển giao công nghệ và hỗ trợ xây dựng hầm biogas, hố ủ phân hữu cơ và các trang thiết bị.

Đến thời điểm hiện tại, dự án đã hỗ trợ cho hơn 10.000 hộ chăn nuôi cải thiện điều kiện môi trường thông qua việc hỗ trợ xây dựng gần 9.000 bình biogas. Tỷ lệ hộ chăn nuôi được hỗ trợ cải thiện môi trường của dự án đạt gần 94%, vượt xa mức 70% dự án đề ra đến năm 2014. Bên cạnh đó, nhận thức của người chăn nuôi trong việc tạo ra sản phẩm chăn nuôi có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không ngừng được cải thiện.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Anh Tuấn, để nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư và tính bền vững của dự án, Cục Chăn nuôi cần phối hợp với dự án, các cục, vụ liên quan trong Bộ, chỉnh sửa bổ sung hoàn thiện quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho lợn, gà an toàn trong nông hộ và quy trình đánh giá cấp giấy chứng nhận sản phẩm chăn nuôi theo quy trình VietGAP nông hộ. Sau khi hoàn thiện hai quy trình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần xem xét, phê duyệt để thực hiện trên phạm vi cả nước.

Dự án LIFSAP do Ngân hàng Thế giới tài trợ với tổng số vốn 79,03 triệu USD. Dự án được thực hiện trên 12 tỉnh, thành phố gồm: Cao Bằng, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An và TP. Hồ Chí Minh. Dự án được triển khai trong 6 năm, từ tháng 3/2010 đến tháng 12/2015. Mục tiêu của Dự án nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của những người chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình, giảm thiểu tác động môi trường của hoạt động chăn nuôi; hỗ trợ đào tạo hộ chăn nuôi theo quy trình hộ chăn nuôi an toàn.

Diệu Hoa

Diệu Hoa

© Thời báo Tài chính Việt Nam