Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 có thể đạt 6,1%

19:48 | 28/05/2015 Print
Bức tranh kinh tế Việt Nam 2015 có thể có 2 kịch bản, ở kịch bản thứ nhất, tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,1% và lạm phát ở mức thấp 1,9%. Ở kịch bản thứ 2, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6,3% và lạm phát tăng lên mức 3,2%.

Đây là thông tin được đưa ra trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2015 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện. Lễ công bố báo cáo được tổ chức ngày 28/5, tại Hà Nội.

bao_cao
Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2015

Đại diện cho nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết thêm, hai kịch bản dự báo được xây dựng cho thấy, năm 2015 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhẹ đã tích lũy từ năm 2013. Trong bối cảnh khá ổn định hiện nay, hai kịch bản có tính hội tụ tương đối. Trong đó, đối với kịch bản thứ hai là trường hợp nền kinh tế rơi vào một vòng xoáy mới giữa lạm phát và thay đổi tỷ giá. Kịch bản thứ hai tuy có bề ngoài không khác quá xa kịch bản 1, nhưng phản ánh một mức độ rủi ro vĩ mô cao hơn nhiều có thể sẽ xuất hiện trong năm 2016.

Bình luận thêm về vấn đề tỷ giá, ông Thành cho rằng, ảnh hưởng tăng giá thực của VND lên hàng xuất khẩu thúc giục sự cân nhắc lại chính sách tỷ giá. Điều chỉnh với biên độ hẹp như vừa qua là quá thận trọng, làm suy yếu cho doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, việc tỷ giá cao được xác định ảnh hưởng đến sản xuất. Đơn cử, công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc tỷ giá thiếu sức cạnh tranh. Nếu VND định giá cao 10% sản lượng giảm 7,65%, xuất khẩu giảm 11,64%.

Công nghiệp thâm dụng vốn hưởng lợi do đầu vào nhập khẩu giảm, kim ngạch nhập khẩu tăng lên 33,17% nếu VND được định giá cao hơn 10%.

“Tỷ giá cao bất lợi cho ngành sử dụng nhiều yếu tố đầu vào sản xuất nội địa (như nông nghiệp, chế biến nông nghiệp, công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động và khai khoáng) và hỗ trợ cho các ngành tiêu dùng và sản xuất sử dụng đầu vào nhập khẩu”, vị đại diện VEPR cho hay.

Theo đó, ông Thành đề xuất, cần một lộ trình phù hợp để đạt được mức tỷ giá cạnh tranh hơn cho Việt Nam, tối thiểu tiến tới mức tỷ giá cân bằng. Mức điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa nên lớn hơn khoảng cách giữa lạm phát của Việt Nam và thế giới.

Liên quan đến các vấn đề căn bản của nền kinh tế, báo cáo của VEPR cũng đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng. Cụ thể, tiếp tục cải cách, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại nhằm tạo tiền đề cho sự hồi phục tỷ suất sinh lời, tăng tích lũy vốn cho hệ thống, tiếp tục tái cơ cấu danh mục tài sản có rủi ro cao.

Bên cạnh đó, định hướng các ngành sản xuất, chế biến xuất khẩu cần được thị trường hóa nhiều hơn nữa để tăng sức cạnh tranh, phát huy sức mạnh của khu vực doanh nghiệp trong ngành. Điển hình như ngành lúa gạo, cần nới lỏng các điều kiện xuất khẩu, tăng cường vai trò của các nhân tố nội sinh (hệ thống doanh nghiệp xay xát) làm nền tảng cho các liên kết dọc trong ngành, xây dựng năng lực cạnh tranh cho ngành.

Ngoài ra, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập mạnh mẽ từ năm 2015, Nhà nước cũng nên gỡ bỏ các ràng buộc lên các yếu tố sản xuất căn bản như vốn, lao động, đất đai để có thể tận dụng những lợi ích như các cam kết ký kết,…

“Vấn đề dài hạn vẫn là tăng năng suất lao động và giá trị gia tăng. Điều này đòi hỏi những chương trình cải cách đồng bộ trong lĩnh vực hành chính, thể chế và các chiến dịch thay đổi trong hệ thống doanh nghiệp về tinh thần tăng năng suất, hiệu quả trong bản thân mỗi doanh nghiệp”, báo cáo của VEPR nhấn mạnh./.

Tin và ảnh: Thiện Trần

Tin và ảnh: Thiện Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam