Bộ Công thương vào cuộc để tránh ế cho vải thiều

17:25 | 11/05/2015 Print
Niên vụ vải thiều năm 2015, tổng sản lượng ước đạt trên 200.000 tấn quả tươi, dự kiến tiêu thụ nội địa khoảng 60%, xuất khẩu khoảng 40%. Hiện Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành, địa phương đang ráo riết triển khai các biện pháp nhằm tiêu thụ vải thiều "suôn sẻ" trong năm nay.

Tiêu thụ 60% tại thị trường nội, xuất khẩu 40%

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện vải thiều được trồng chủ yếu tại hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Niên vụ vải thiều năm 2015, tổng sản lượng ước đạt trên 200.000 tấn quả tươi.

Theo đó, thời gian thu hoạch dự kiến hai đợt, đợt 1 từ ngày 15/5 đến 5/6, tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Yên, Lục Nam, Lục Ngạn (Bắc Giang); đợt 2 từ ngày 1/6 đến 20/7.

Theo dự báo, sức tiêu thụ của thị trường nội địa đạt khoảng 60% (tương ứng khoảng 120.000 tấn). Trong đó, tập trung chủ yếu tại các địa phương khu vực phía Bắc, các thành phố lớn và các tỉnh phía Nam. Trong đó, thị trường phía Nam được đánh giá sẽ là thị trường tiêu thụ nội địa quan trọng, chiếm khoảng 43% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.

Bên cạnh đó, dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 40% (tương ứng 80.000 tấn) lượng vải còn lại. Trong 80.000 tấn có 85% là quả tươi, 15% là quả sấy khô và chế biến bóc cùi đông lạnh. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore... và các nước châu Âu. Ngoài ra, gần đây có tín hiệu tốt từ các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Về giá cả, thị trường vải thiều năm nay được đánh giá có mức giá cả tương đối ổn định và tương đương với năm 2014.

vai thieu

Năm nay, tổng sản lượng vải ước đạt khoảng 200.000 tấn Ảnh: TL

Giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Rút kinh nghiệm từ những khó khăn gặp phải trong việc tiêu thụ vải năm 2014, năm nay, ngay từ khi chớm vào vụ, Bộ Công thương đã có kế hoạch triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy tiêu thụ vải tại thị trường trong nước.

Theo Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) năm nay Bộ sẽ chủ động phối hợp với các địa phương để kết nối thúc đẩy tiêu thụ quả vải và nhằm thực hiện có hiệu quả “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trong hai tháng 5 và 6, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông và các tỉnh như Bắc Giang, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh... tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều năm 2015. Bên cạnh đó, phối hợp với các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn và chính quyền một số địa phương phía Trung Quốc cùng các doanh nghiệp kinh doanh vải thiều của Việt Nam và Trung Quốc để xúc tiến tiêu thụ vải thiều.

Bên cạnh đó, theo Vụ Thị trường trong nước, hiện Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng, chiếm khoảng 90% tổng sản lượng xuất khẩu, vì vậy, về lâu dài, để tránh lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu Trung Quốc, Bộ sẽ triển khai mạnh mẽ các hoạt động mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản nói chung. Trong đó, tận dụng triệt để ưu thế từ các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định TPP, FTA với EU, Liên minh thuế quan… Đồng thời, đổi mới mô hình, phương thức, nâng cao chất lượng của các chương trình xúc tiến thương mại.

Ngoài ra, Bộ sẽ tăng cường cập nhật, theo dõi và cung cấp thông tin về diễn biến tình hình sản xuất, sản lượng, tồn kho, chính sách và nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nói riêng tại các thị trường. Đồng thời nắm bắt diễn biến phát sinh các rào cản thương mại (bảo hộ mậu dịch, chống bán phá giá...) tại các thị trường nhập khẩu để có đề xuất các phương án đấu tranh hiệu quả đối với các rào cản không phù hợp, bất lợi với hàng hóa của Việt Nam; giới thiệu danh sách doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam đến các đối tác nước ngoài...

Theo Vụ thị trường trong nước đánh giá, với việc tổ chức triển khai các hoạt động cụ thể như vậy, dự báo tình hình tiêu thụ năm nay sẽ tương đối thuận lợi và ổn định hơn so với các năm 2014.

Mùa vụ năm 2014, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước đạt 138.000 tấn, trong đó thị trường phía Nam 60.000 tấn, chiếm gần 43,5% lượng tiêu thụ nội địa.

Tuấn Linh

Tuấn Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam