Những mặt tốt - xấu sau số liệu thâm hụt thương mại của Việt Nam

11:50 | 10/05/2015 Print
Mặc dù các số liệu 4 tháng qua cho thấy, mức thâm hụt thương mại của Việt Nam đang tăng mạnh khi nhập khẩu tăng gấp đôi xuất khẩu, nhưng phân tích của Ngân hàng ANZ cho rằng, đây là mức thâm hụt thương mại “tốt”.

NK

Ảnh minh họa.

Thâm hụt thương mại “tốt”

Theo báo cáo mới được công bố của Ngân hàng ANZ, số liệu về cán cân thanh toán trong những tháng qua cho thấy sự trở lại rõ ràng của xu hướng thâm hụt thương mại, khiến Việt Nam có khả năng trở lại tình trạng thâm hụt trong cả năm 2015 và 2016.

Trong 4 tháng qua, cán cân thanh toán của Việt Nam đã âm do nhập khẩu tăng mạnh, lên mức 19,4% trong tháng 4, gấp đôi mức tăng của xuất khẩu. Lần gần đây nhất Việt Nam có tình trạng tăng trưởng nhập khẩu vượt xa xuất khẩu trong thời gian dài, khiến thâm hụt thương mại cả năm đạt gần 18 tỷ USD là năm 2010. Chính mức thâm hụt này trong năm 2010 đã góp phần dẫn đến việc giảm giá 9% của VND trong tháng 2/2011.

Liệu những con số này có báo hiệu sự trở lại của tình trạng thâm hụt thương mại lớn như trước đây? Các phân tích của ANZ cho thấy, mức thâm hụt thương mại của Việt Nam thời gian này là “tốt”.

Theo ANZ, có một số lý do để giải thích cho nhận định này.

Thứ nhất, nhập khẩu máy móc và hàng điện tử là nguyên nhân chính khiến nhập khẩu tăng mạnh gần đây. Khác với năm 2010, khi nhập khẩu tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu máy móc chỉ tăng gần 5%. Ngược lại, nhập khẩu máy móc tháng 4/2015 tăng 31,4% so với cùng kỳ năm trước, cho dù tổng mức tăng nhập khẩu chỉ gần 20%. Máy móc nhập khẩu liên quan tới việc đầu tư mở rộng năng lực sản xuất. Theo ANZ, mức tăng này là tích cực cho tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

Cùng với máy móc, nhập khẩu hàng điện máy và linh kiện cũng tăng trở lại vài tháng gần đây. Mức tăng này củng cố quan điểm Việt Nam đang tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất. Sự chuyển dịch trong chuỗi giá trị sản xuất hàng điện máy trong khu vực đòi hỏi duy trì tăng trưởng đầu vào nhập khẩu.

Thứ hai, hàng nhập khẩu của các DN FDI tăng cao hơn nhiều nhập khẩu của các DN trong nước, một yếu tố cho thấy hàng nhập khẩu chủ yếu là đầu vào của hàng hóa xuất khẩu. Nhập khẩu của DN FDI chiếm tới gần 60% tổng nhập khẩu, so với 30% năm 2009.

Cuối cùng là chỉ số PMI cho thấy sự tăng mạnh về đơn hàng xuất khẩu mới và dòng vốn FDI cũng tăng cao. Vốn FDI vào Việt Nam đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2012, lên đến 4,2 tỷ USD vào tháng 4. Với 70% vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực sản xuất, ANZ dự báo nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng trong trung hạn.

Thận trọng với việc tăng nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng

Theo ANZ, cần phân biệt mức thâm hụt “tốt” và “xấu” trong cán cân thương mại. Với một nền kinh tế không có lợi thế cạnh tranh về sản xuất hàng hóa cơ bản, khi năng lực sản xuất của Việt Nam mở rộng, máy móc và thiết bị cho sản xuất chủ yếu là nhập khẩu. Loại thâm hụt này trong cán cân thương mại là tốt bởi nó giúp tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế trong dài hạn.

Tuy nhiên, ANZ cũng lưu ý mức thâm hụt thương mại gần đây có liên quan tới sự phục hồi “nhen nhóm” của nhu cầu nội địa. Nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng tăng cũng là một nhân tố gây thâm hụt thương mại và điều này được coi là thâm hụt “xấu".

ANZ dự báo Việt Nam sẽ thâm hụt thương mại vừa phải trong vài năm tới, khoảng 0,5% GDP trong năm 2015 và 1,0% GDP trong năm 2016. Tuy nhiên, chừng nào dòng vốn FDI còn mạnh, tổng cán cân thanh toán sẽ vẫn thặng dư.

Trong giai đoạn này, mặc dù đánh giá mức thâm hụt trong cán cân thương mại của Việt Nam là tốt, nhưng ANZ vẫn cảnh báo phải theo dõi sát sao các số liệu để nhận biết sớm các dấu hiệu thâm hụt thương mại do tiêu dùng tăng./.

H.Y

H.Y

© Thời báo Tài chính Việt Nam