Malaysia điều tra chống bán phá giá tôn phủ màu của Việt Nam

09:50 | 08/05/2015 Print
Theo tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá (AD) đối với sản phẩm tôn phủ màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam với biên độ phá giá bị cáo buộc lên tới 13,68%.

Theo đó, sản phẩm bị điều tra là tôn phủ màu gồm các mã HS 7210.70 210, 7210.70 290 và 7210.70 900 và mã biểu thuế AHTN 7210.70.10 00, 7210.70.90 20 và 7210.70.90 90.

Theo số liệu trong đơn kiện về nhập khẩu mặt hàng này của Malaysia thì trong giai đoạn điều tra, tổng khối lượng nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 37,950 triệu tấn, chiếm khoảng 68,2% thị phần nhập khẩu vào Malaysia.

ton phu mau

Trong giai đoạn điều tra, tổng khối lượng nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 37,950 triệu tấn. Ảnh: ST

Nguyên đơn là Công ty FIW Steel Sdn. Bhd cáo buộc rằng sản phẩm tôn phủ màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam đang bán phá giá vào Malaysia với giá thấp hơn nhiều so với giá tại thị trường nội địa của các quốc gia bị cáo buộc, và điều này đang gây ra thiệt hại đáng kể đến ngành công nghiệp trong nước ở Malaysia.

Giai đoạn điều tra bắt đầu từ 1/10/2013 đến 30/9/2014. Tuy nhiên giai đoạn xem xét thiệt hại sẽ sớm hơn, kể từ 1/10/2011 – 30/9/2013.

Bên cạnh đó, nguyên đơn khiếu nại thêm rằng hàng nhập khẩu từ các nước bị cáo buộc đã tăng lên về số lượng tuyệt đối và họ đã phải chịu thiệt hại đáng kể. Chính phủ đã xác định rằng có đủ bằng chứng về việc bán phá giá, thiệt hại và mối quan hệ nhân quả.

Dự kiến một quyết định sơ bộ sẽ được đưa ra trong vòng 120 ngày kể từ ngày khởi xướng (tức là ngày 28/4/2015). Nếu quyết định cuối cùng là có bán phá giá, Chính phủ Malaysia sẽ áp thuế chống bán phá giá ở mức cần thiết để ngăn chặn thiệt hại thêm.

Liên quan đến cuộc điều tra này, MITI sẽ cung cấp một bộ bảng câu hỏi điều tra cho các bên liên quan (gồm các nhà nhập khẩu, các nhà sản xuất nước ngoài, các nhà xuất khẩu và các hiệp hội). Các bên liên quan khác có thể yêu cầu bảng câu hỏi không muộn hơn ngày 14/5 tới.

Ngoài ra, các bên liên quan cũng có thể cung cấp thêm bằng chứng bảo vệ cho doanh nghiệp mình trước ngày 28/5 tới. Trong trường hợp không nhận được thêm thông tin nào trong khoảng thời gian đã nêu, Chính phủ sẽ dựa trên các dữ kiện có sẵn để đưa ra kết quả sơ bộ./.

Tuấn Linh

Tuấn Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam