Cho ngư dân vay vốn đóng tàu: Đề nghị nâng vốn và thời hạn vay

10:21 | 26/04/2015 Print
Trước đề nghị của các địa phương về việc kéo dài thời gian cho vay lên 16 năm đối với tàu vỏ thép, tàu đóng mới lắp máy cũ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo, cần nghiên cứu, xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề này.

Hội nghị trực tuyến

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến. Ảnh: Nguyễn Kiểm

Hơn 270 tỷ đồng vốn vay cho 31 tàu cá đóng mới, nâng cấp

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá kết quả việc thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám (NN&PTNT) cho biết, sau 8 tháng triển khai thực hiện Nghị định 67, đã có 628 chiếc tàu đăng ký đóng mới (chiếm gần 28% tổng số tàu được phê duyệt phân bổ), trong đó 267 tàu vỏ thép, vật liệu mới 44 chiếc, gỗ 317 chiếc và 80 tàu đăng ký nâng cấp.

Đến nay, 31 tàu đăng ký đóng mới và nâng cấp ký được hợp đồng tín dụng với tổng số tiền hơn 270 tỷ đồng, thời hạn cho vay là 11 năm, mức cho vay từ 60-95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu. Các ngân hàng thương mại (NHTM) đã cho 68 khách hàng vay vốn lưu động cho các chuyến đi biển đạt gần 22 tỷ đồng.

Ngoài ra, đã có 23.604 người được bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên với tổng số tiền phí bảo hiểm 46,2 tỷ đồng. Hiện Bộ NN&PTNT đã công bố 21 mẫu thiết kế tàu vỏ thép.

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay các NHTM đã tiếp nhận 159 bộ hồ sơ của chủ tàu tại 17 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, 550 tàu cá đã được phê duyệt, các NHTM tiếp cận nhưng chưa nhận được hồ sơ vay vốn của chủ tàu do các nguyên nhân: khách hàng đang lựa chọn mẫu tàu, chờ phê duyệt hồ sơ thiết kế tàu, chưa lựa chọn được cơ sở đóng tàu…

Đề nghị nâng vốn và thời hạn vay

Cũng tại hội nghị, một số khó khăn, vướng mắc cũng được đại biểu các địa phương chỉ ra: Ngư dân thiếu vốn đối ứng khí đóng mới tàu; ngư dân đã có tàu công suất máy trên 400 CV trở lên theo quy định của Nghị định 67 có nhu cầu vay vốn để gia cố vỏ tàu, nâng cấp hầm bảo quản... thì vẫn chưa được vay, nguồn vốn vay lưu động với mức lãi suất 7%/năm như hiện tại chưa thực sự hấp dẫn với đối với các chủ tàu…

Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị: “Cần nâng thời hạn vốn vay lên 16 năm đối với tàu vỏ thép. Tàu vỏ gỗ thì cho phép lắp đặt máy đã qua sử dụng nhưng còn tốt”.

Đại diện tỉnh Quảng Ninh đề xuất, thay vì nới quy định máy tàu thì tăng lượng vốn vay cho ngư dân.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, Nghị định 67 phù hợp với chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và đáp ứng phần nào nguyện vọng của ngư dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện có vướng mắc, khó khăn. Trong thời gian tới, cần kiên trì thực hiện chính sách này.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, cần tăng cường công tác tuyên truyền, cùng với đó sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay. Thực tế, nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, vì vậy, cần phải tìm các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, tàu trên 400 CV cần đầu tư trang thiết bị, công cụ đánh bắt cũng thuộc diện được vay vốn.

Về chính sách tín dụng, cũng yêu cầu các ngân hàng xem xét mức vay theo nhu cầu và khả năng của ngư dân, không quy định tối thiểu, chỉ quy định tối đa; kéo dài thời gian vay vốn; chia tiến độ cho vay; mở rộng ngân hàng được vay vốn; giảm dần lãi suất.

Phía Bộ NN&PTNT nghiên cứu, báo cáo Chính phủ để có chỉ đạo đồng bộ trong việc sử dụng máy móc, trang thiết bị.

Về chính sách tài chính, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu các đơn vị bảo hiểm có năng lực để thực hiện; gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, chậm nộp 1 năm tính từ lúc đóng tàu. Các chính sách phải được thực hiện trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân./.

Phúc Nguyên - CTV

Phúc Nguyên - CTV

© Thời báo Tài chính Việt Nam