Metro Việt Nam lỗ triền miên và khoảng trống pháp lý

17:17 | 21/04/2015 Print
12 năm hoạt động, Metro Việt Nam chưa phải đóng bất kỳ một đồng tiền nào cho khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, do báo lỗ triền miên. Trong khi DN này liên tục mở rộng qui mô và đang tiến hành chuyển nhượng vốn với ước tính thu lãi tới 679 triệu USD.

>> Metro Cash & Carry Việt Nam: Khai khống lỗ để trốn hơn 500 tỷ đồng tiền thuế

Mở rộng qui mô khủng, nhưng vẫn “lỗ” triền miên!

Trong 12 năm hoạt động kinh doanh bán buôn tại Việt Nam, Công ty TNHH Metro Cash& Carry Việt Nam (Metro Việt Nam) đã đóng góp cho việc thúc đẩy tiêu dùng hàng hoá sản xuất tại Việt Nam; tạo công ăn việc làm cho khoản 3.600 nhân viên toàn thời gian...

Tuy nhiên, trong suốt 12 năm hoạt động tại Việt Nam, Metro Việt Nam vẫn đang hoạt động kinh doanh không có lợi nhuận, nên chưa phải đóng bất kỳ một đồng thuế TNDN nào nhưng doanh số vẫn tăng trưởng đều hàng năm.

Mặc dù, theo vị đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương trả lời báo chí trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014 cho biết, Metro Việt Nam đã nộp 921 tỷ đồng các loại thuế, trừ thuế thu nhập doanh nghiệp do bị lỗ.

Tuy vậy, về bản chất của khoản 921 tỷ đồng các loại thuế đã nộp trong 12 năm qua chủ yếu là Thuế GTGT, Thuế Nhập khẩu, Thuế TNCN (hay thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao), thuế nhà thầu (gồm thuế GTGT, thuế TNDN). Tất cả các khoản thuế nêu trên mà Metro Việt Nam đã nộp chỉ là thực hiện nghĩa vụ khấu trừ và nộp thay cho người tiêu dùng Việt Nam; người lao động Việt Nam, người nước ngoài làm việc tại Metro Việt Nam; hay tổ chức kinh tế có trụ sở tại nước ngoài nhưng phát sinh thu nhập tại Việt Nam theo quy định pháp luật về thuế hiện hành.

Qua phân tích báo cáo tài chính trong giai đoạn 2006-2013, nếu loại trừ các khoản chi phí lãi vay và các khoản phí dịch vụ nội bộ trả cho tập đoàn Metro, dường như mức lợi nhuận trước khoản chi phí lãi vay và dịch vụ nội bộ trả cho tập đoàn Metro đạt được không chỉ bảo đảm bù đắp chi phí (như giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp ngoài trừ chi phí dịch vụ nội bộ trả tập đoàn Metro), mà còn đem lại lợi nhuận tích cực trong hoạt động kinh doanh và có thể đóng góp thuế TNDN cho ngân sách Nhà nước.

Đã có ý kiến phân tích rằng, nghi vấn lỗ triền miên trong 12 năm qua của Metro nên được tập trung vào 2 vấn đề là: Lợi dụng chính sách giá chuyển nhượng trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; Lợi dụng việc thiếu quy định về chính sách vốn mỏng của Việt Nam.

metro vietnam
Mặc dù nguồn vốn chủ sở hữu cho đầu tư ban đầu chỉ là 78 triệu USD nhưng tại thời điểm 31/12/2013, giá trị các khoản nợ tài chính như vay ngân hàng cao gấp 40 lần so với nguồn vốn chủ sở hữu sau khi trừ đi khoản lỗ luỹ kế.

Khoảng trống pháp lý cần hoàn thiện

Chính sách vốn mỏng là quy định đối với khoản chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh tối đa được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN tương ứng với mức tỷ lệ vay vốn trên vốn chủ sở hữu của các DN. Chính sách này được nhiều trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Mỹ… quy định và áp dụng.

Theo thống kê của cơ quan thuế, chi phí lãi vay hàng năm chiếm khoảng 1% - 3% doanh thu thuần hàng năm của Metro Việt Nam.

Về khía cạnh tài chính, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh phải áp dụng chính sách đòn bẩy tài chính để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, tỷ lệ được vay bao nhiêu trên vốn chủ sở hữu thì chưa được quy định trong Luật doanh nghiệp hay Luật đầu tư tại Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp này có quyền vay vốn tối đa với khả năng của mình, miễn là doanh nghiệp có tài sản đảm bảo thế chấp hay được bảo lãnh từ một bên thứ ba.

Lợi dụng chính sách này và dựa vào lợi thế cạnh tranh của Tập đoàn Metro trên toàn cầu, Metro Việt Nam đã được Tập đoàn Metro bảo lãnh cho các khoản vay từ ngân hàng thương mại trong và ngoài nước.

Mặc dù nguồn vốn chủ sở hữu cho đầu tư ban đầu chỉ là 78 triệu USD nhưng tại thời điểm 31/12/2013, giá trị các khoản nợ tài chính như vay ngân hàng cao gấp 40 lần so với nguồn vốn chủ sở hữu, sau khi trừ đi khoản lỗ luỹ kế.

Việc thiếu qui định chặt chẽ về chính sách vốn mỏng, đã tạo cho Metro Việt Nam nhiều cơ hội cạnh tranh tại Việt Nam và có được nguồn vốn để trả tiền thuê các lô đất và tiếp tục mở rộng qui mô kinh doanh của mình.

Đây là những hạn chế từ các quy định trong Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và một số qui định khác, nên đã tạo ra khoảng trống pháp lý để Metro Việt Nam trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế của mình. Đây cũng là vấn đề pháp lý cần được quan tâm đối với những nhà hoạch định chính sách của Việt Nam để giúp thu hút nguồn vốn lành mạnh từ các nhà đầu tư đến từ nước ngoài./.

Quang Chiến

Quang Chiến

© Thời báo Tài chính Việt Nam