Chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt quy hoạch trồng mắc ca

08:59 | 07/04/2015 Print
Mắc ca là cây trồng mới, quá trình khảo nghiệm cho kết quả còn khác nhau, ngoài ra cần xem xét kỹ các vấn đề về chế biến, thị trường. Theo Bộ NN&PTNT hiện chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca...

cây mắc ca

Đây là loại cây trồng mới cho nên người dân cần thận trọng khi trồng. Ảnh: Internet

>> Trồng mắc ca 'tỷ đô': Có phải 'bánh vẽ' cho nông dân?

>> Cây mắc ca sẽ được nghiên cứu để trồng thêm ở Tây Bắc

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong một báo cáo ngày 6/4 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ về tình hình phát triển cây mắc ca ở nước ta.

Xây dựng được 20 mô hình khảo nghiệm giống

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, từ năm 1994 đến nay, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành nhập giống, trồng khảo nghiệm ở nhiều địa phương trong cả nước gồm: Ba Vì (Hà Nội); Mai Sơn (Sơn La); Đồng Hới (Quảng Bình); Đại Lải (Vĩnh Phúc); Krông Năng (Đắk Lắk) và Đắk Plao (Đắk Nông); Tân Uyên (Lai Châu); TP. Thái Nguyên (Thái Nguyên); Lạc Thủy (Hòa Bình); Thạch Thành (Thanh Hóa); Khe Sanh (Quảng Trị); Kbang (Gia Lai); Cầu Hai (Phú Thọ); Nam Đàn (Nghệ An); Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng); Đắk Hà (Kon Tum).

Qua quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm đã có những kết quả đánh giá bước đầu, cụ thể như: cây mắc ca được bắt đầu trồng thử nghiệm từ năm 1994, tại Trạm Thực nghiệm giống cây rừng Ba Vì, thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, sau 5 năm (đến năm 1999) một số cây bắt đầu cho quả.

Năm 2002, Bộ NN&PTNT giao cho Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện đề tài “Khảo nghiệm giống và nhân giống sinh dưỡng cây mắc ca ở Việt Nam". Triển khai đề tài, Viện Khoa học Lâm nghiệp đã liên hệ với Hiệp hội Mắc ca Úc tiếp nhận chuyển giao 9 dòng cây (246, 344, 741, 842, 816, 849, 856, NG8 và Daddow) có năng suất cao và chất lượng tốt; nhập 2 dòng vô tính OC và A800 từ Trung Quốc để khảo nghiệm khả năng thích ứng, tăng trưởng và năng suất của mắc ca tại Việt Nam.

Các khảo nghiệm giống mắc ca đã được triển khai tại 16 tỉnh, đến nay đã xây dựng được 20 mô hình khảo nghiệm giống, với tổng diện tích là 35 ha, trong đó có 30 ha đã ra hoa kết quả.

Kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm bước đầu cho thấy, cây mắc ca có khả năng sinh trưởng và phát triển tại các điểm trồng khảo nghiệm, nhưng tỷ lệ đậu quả, sản lượng quả rất khác nhau. Ở các mô hình khảo nghiệm có quả thì sản lượng hạt tươi cao nhất vào năm thứ 10 đạt từ 17,5 - 21,5 kg/cây (tương đương 3,9-4,7 tấn/ha/năm), thấp nhất đạt 9,4-12,4 kg/cây (tương đương 1,9-2,5 tấn/ha/năm); có một số địa điểm cây không đậu quả.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu khảo nghiệm, Bộ NN&PTNTđã công nhận được 10 giống mắc ca, trong đó: 3 giống quốc gia là các dòng OC, 246 và 816; 7 giống tiến bộ kỹ thuật là các dòng Daddow, 842, 849, 741, 800, 900 và 695.

Hiện nay, Bộ đang cho triển khai thực hiện dự án “Trồng sản xuất thử nghiệm một số giống mắc ca mới (OC, 246, 816 và 849) tại Tây Nguyên và Tây Bắc”. Đến thời điểm này dự án đã trồng được 40 ha, tại các điểm trồng cây sinh trưởng, phát triển tốt, nhưng chưa có quả do cây mới được 2-3 năm tuổi.

Đặc biệt, hiện nay ở nước ta mới có một vài công ty, cơ sở chế biến hạt mắc ca quy mô nhỏ, nguồn nguyên liệu chủ yếu là từ nhập khẩu. Thị trường tiêu thụ sản phẩm mắc ca tại Việt Nam chưa phát triển, giá bình quân từ 130.000 - đồng/kg hạt tươi. Hạt mắc ca tươi được thu mua chủ yếu để tạo cây con làm gốc ghép nhân giống.

Chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt quy hoạch

Bộ NN&PTNN cho hay, mắc ca là cây trồng mới, quá trình khảo nghiệm cho kết quả còn khác nhau, ngoài ra cần xem xét kỹ các vấn đề về chế biến, thị trường. Vì vậy, đến nay Bộ chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca; quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, công nghệ chế biến cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Về vấn đề này, Bộ đang chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương tập trung nghiên cứu và ban hành trong năm 2015.

Song song với đó, nhằm hạn chế những rủi ro cho các tổ chức, cá nhân trồng cây mắc ca, Bộ NN&PTNT đã có văn bản số 2749/BNN-TCLM ra ngày 6/4/2015 về việc phát triển cây mắc ca gửi tới các địa phương.

Theo tinh thần của văn bản, Bộ NN&PTNT chỉ đạo, các địa phương cần hướng dẫn nông dân trồng mắc ca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện tương tự, không triển khai trồng cây mắc ca trên quy mô lớn trong các khu vực chưa được trồng khảo nghiệm khẳng định hiệu quả. Tổng diện tích trồng cây mắc ca cả nước đến năm 2020 khoảng 10.000 ha (gồm cả trồng tập trung và trồng xen).

Bên cạnh đó, tổ chức đánh giá kết quả khảo nghiệm tại địa phương; xác định cụ thể quy hoạch chi tiết từng tiểu vùng khí hậu đối với phát triển cây mắc ca. Việc phát triển trên quy mô lớn nhất thiết phải đảm bảo các điều kiện này và tổ chức phát triển trồng mới gắn với cơ sở chế biến, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm.

Điểm đáng lưu ý, địa phương phải tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng giống, cơ sở sản xuất giống, chỉ cho phép trồng các giống cây mắc ca được nhân giống vô tính (cây ghép, chiết) từ các dòng có năng suất, chất lượng cao đã được công nhận tại các các Quyết định số 2039/QĐ-BNN-TCLN, Quyết định so 2040/QĐ-BNN-TCLN ngày 1/9/2011 và Quyết định số 65/QĐ-BNN-TCLN ngày 11/1/2013 của Bộ NN&PTNT.

Đặc biệt, phải ngăn ngừa, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cung ứng, kinh doanh giống mắc ca không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật./.

Cây mắc ca được trồng nhiều ở Úc, Mỹ, Nam Phi, Kenya và một số nước khác. Tổng diện tích khoảng 80.000 ha, sản lượng 140 nghìn tấn quả/năm. Tại Úc, giá quả khô từ năm 1987 đến năm 2014 dao động trong khoảng 1,5-4,0 đô la Uc/1 kg (tương đương 25.000 - 70.000 đồng/ kg). Gần đây giá mắc ca có xu hướng tăng do nhu cầu trên thế giới tăng, chủ yếu ở Châu Á. Nhiều nước trên thế giới cũng đang mở rộng nhanh diện tích trồng mắc ca.

Phúc Nguyên

Phúc Nguyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam