Doanh nghiệp giải thể, phá sản giảm một nửa trong tháng 3

16:05 | 01/04/2015 Print
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh trong quý I/2015 của cả nước giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó riêng tháng 3, số doanh nghiệp thuộc diện này đã giảm 51,9% so với tháng 2.

doanh nghiệp

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động trong tháng 3 đã giảm tới 51,9% so với tháng 2. Ảnh minh họa

Theo báo cáo vừa được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, trong tháng 3/2015, số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước là 5.283 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 33.692 tỷ đồng, giảm 23,4% về số doanh nghiệp và giảm 26,5% về số vốn đăng ký so với tháng 2/2015.

Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 3 đạt 6,4 tỷ đồng, giảm 3,0% so với tháng trước. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 3 là 68.009 lao động, giảm 24,7% so với tháng trước.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động trong tháng 3 của cả nước chỉ còn 510 doanh nghiệp, giảm tới 51,9% so với tháng 2. Cùng với đó, số doanh nghiệp khó khăn tạm ngừng hoạt động cũng đã giảm đáng kể, với 2.316 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giảm 47,2% so với tháng trước.

Tính chung trong quý I/2015, cả nước có 19.049 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 111.218 tỷ đồng, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 13,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, cũng trong quý I có 4.741 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 172.918 tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong quý I năm 2015 là 284.136 tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 5,8 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2014. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới là 265.000 lao động, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

So với cùng kỳ năm 2014, Tây Nguyên hiện là vùng có số doanh nghiệp thành lập mới giảm nhiều nhất (45,9%), tiếp đến là khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (giảm 1,5%) ; các vùng còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với năm 2014, trong đó vùng Đồng bằng Sông Hồng là vùng có tỷ lệ tăng (10,5%) lớn nhất trong cả nước về số lượng doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.

Như vậy, tình hình đăng ký doanh nghiệp quý ghi nhận sự tăng trưởng khá về số lượng doanh nghiệp (tăng 3,8%), số vốn đăng ký đưa vào thị trường (tăng 13,5%) và tỷ trọng vốn bình quân mỗi doanh nghiệp (tăng 3,6%).

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho biết, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh của cả nước trong 3 tháng qua là 2.565 doanh nghiệp, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo dữ liệu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì số lượng doanh nghiệp giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Điều này phần nào cho thấy rằng nhờ có sức đề kháng và hoạch định chiến lược kinh doanh tốt hơn, những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn thường có độ ổn định và sức chống chọi với khó khăn cao hơn so với các doanh nghiệp nhỏ.

Tuy nhiên số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động của cả nước là 16.175 doanh nghiệp, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 5.548 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 10.627 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

Cũng trong quý I, cả nước có 5.094 doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là con số đáng khích lệ cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế đã tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Đồng thời, xu hướng thanh lọc của thị trường vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, doanh nghiệp vẫn luôn tìm kiếm khả năng đầu tư, kinh doanh mới khi có cơ hội.

H.L

H.L

© Thời báo Tài chính Việt Nam