Thị trường Tết Ất Mùi: Giá ổn định, nhưng sức mua không cao

16:08 | 24/02/2015 Print
Theo báo cáo tình hình giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 của Bộ Tài chính, giá cả hàng hóa trước, trong và sau Tết Ất Mùi năm 2015 cơ bản ổn định do nguồn cung dồi dào, nhưng sức mua không cao.

giá tết

Giá cả hàng hóa trước, trong và sau Tết Ất Mùi năm 2015 cơ bản ổn định do nguồn cung dồi dào, sức mua không tăng cao. Ảnh: Thanh Huyền

>> CPI giảm ngay trong tháng Tết

Mặc dù kỳ tính CPI tháng 2 chỉ “chốt” đến 15/2/2015 (27 tháng Chạp), do đó, diễn biến giá cả một số ngày Giáp Tết sẽ được phản ánh vào chỉ số giá tiêu dùng của tháng 3.

Tuy nhiên, theo báo cáo tình hình giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 của Bộ Tài chính, giá cả hàng hóa trước, trong và sau Tết Ất Mùi năm 2015 cơ bản ổn định do nguồn cung dồi dào, sức mua không tăng cao.

Không còn cảnh “thiếu hàng, sốt giá”

Cụ thể, theo báo cáo của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và qua khảo sát, theo dõi, tổng hợp của Bộ Tài chính, thị trường, giá cả trước, trong và sau Tết Ất Mùi năm 2015 cơ bản bình ổn. Thị trường hàng hóa sôi động hơn các tháng bình thường nhưng nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân.

Một số nhóm hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như thực phẩm tươi sống (thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy hải sản), hàng công nghệ (bia, nước giải khát...) tăng nhẹ vào một số thời gian cao điểm những ngày mùng 2 đến ngày mùng 5 Âm Lịch theo quy luật Tết hàng năm. Trên địa bàn cả nước, không địa phương nào xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây sốt giá.

Trước đó, trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2, thị trường hàng hóa bắt đầu sôi động hơn so với các tháng bình thường, nhất là thời cận Tết, nhưng sức mua chưa cao.

Thời điểm này, công tác chuẩn bị Tết được các địa phương, doanh nghiệp tích cực triển khai trên cả nước. Nguồn cung hàng hoá đa dạng, dồi dào, hàng Việt Nam với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, phong phú đang ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường.

Từ ngày 23 tháng Chạp, thị trường hàng hoá sôi động hơn, sức mua tăng tập trung vào các ngày 23 đến 29 tháng Chạp năm Giáp Ngọ 2014. Các siêu thị, trung tâm thương mại thu hút khách đông khách hàng do phát huy lợi thế về vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa rõ ràng, giá cả bình ổn.

Bên cạnh đó, để giảm bớt áp lực về cầu trong những ngày cận Tết và tâm lý tích trữ hàng hoá, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi phân phối hàng hóa đã mở cửa bán hàng phục vụ người dân đến ngày cận Tết, kéo dài thời gian mở cửa bán hàng trong ngày và mở cửa lại sớm sau Tết, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, với số lượng hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định đã có tác dụng bình ổn thị trường trong dịp Tết và trong những tháng đầu năm.

Đồng thời, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc chương trình bình ổn giá bình ổn và thấp hơn giá thị trường khoảng 5%-10%. Thậm chí, nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cam kết không tăng giá Tết và còn thực hiện các chương trình giảm giá cho nhiều loại hàng hóa như: dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rau củ, quả, nước giải khát, đồ dùng gia đình,…trong những ngày cận Tết.

Sau khi nghỉ Tết ngày Mùng 1, ngày Mùng 2, 3 Tết, một số siêu thị lớn có hệ thống trong cả nước (hệ thống Coopmart, Fivimart, Big C...), hệ thống chợ dân sinh ở nhiều nơi cũng đã bắt đầu bán hàng.

Từ ngày mùng 4 và 5 Tết trở đi hầu hết hệ thống các cửa hàng thương mại, các chợ dân sinh đã bán hàng như trước.

Về giá cả cơ bản vẫn giữ bình ổn giá như những ngày trước Tết, chỉ có một số hàng hóa, dịch vụ giá tăng cao như trông giữ ô tô xe máy (tại các đền, chùa) tăng từ 20% - 50%, ăn uống ngoài gia đình tăng 25 - 50% so ngày thường.

Cẩn trọng khả năng lạm phát tăng trở lại

Cũng theo Bộ Tài chính, sau Tết là thời điểm của lễ hội, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình có khả năng sẽ có xu hướng tăng.

Để tiếp tục bình ổn thị trường, giá cả trong tháng 2 và tháng 3/2015, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường, giá cả nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết của người dân để kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý, tránh để xảy ra thiếu hàng sốt giá, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Cùng với đó là tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí (nhất là phí tham quan, du lịch, phí trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô).

Tăng cường kiểm tra các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải tổ chức tốt công tác vận tải (như tăng thêm đầu phương tiện, tăng thời gian quay vòng...) để phục vụ đủ nhu cầu đi lại cho người dân trong dịp lễ hội đầu năm.

Đồng thời yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải công bố và niêm yết công khai mức giá cước theo đúng quy định hiện hành; xử lý nghiêm các hành vi chèn ép, đầu cơ vé tàu, vé xe; công bố công khai đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cuối cùng, tiếp tục quản lý, điều hành giá các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng bình ổn giá (điện, than, xăng dầu, dịch vụ công...) theo cơ chế thị trường với lộ trình, mức độ, thời điểm thích hợp để hạn chế tác động đến mặt bằng giá cả thị trường trong quý I/2015./.

Hoàng Lâm

Hoàng Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam