Bỏ thuế GTGT cho thức ăn chăn nuôi tạo bình đẳng trên thị trường

10:26 | 01/01/2015 Print
DN nước ngoài chiếm lĩnh thị trường thức ăn chăn nuôi. Quyết định bỏ thuế GTGT với thức ăn chăn nuôi đã tạo ra sự bình đẳng cho cả DN lớn và DN nhỏ trên thị trường, mà DN nhỏ chủ yếu là DN Việt Nam.

CDP

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời tại phiên chất vấn. Ảnh: TTXVN

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và nông thôn Cao Đức Phát trong phiên chất vấn ngày 31/12 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện tái cơ cấu trong nông nghiệp.

Sẽ giảm 50% thời gian thông quan hàng nông sản

Đánh giá chung tại phiên chất vấn, các ĐB cho rằng thành quả mà ngành nông nghiệp đạt được trong thời gian qua rất tích cực, là điểm tựa an toàn cho nền kinh tế và người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó các ĐB cũng nêu lên nhiều vấn đề lớn như sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp, các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, các vướng mắc trong phát triển thị trường, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp….

ĐB Trần Du Lịch nêu vấn đề chúng ta hiện mới chỉ phát triển nông nghiệp dựa vào ưu đãi tự nhiên và sự cần cù của người nông dân, còn muốn cạnh tranh được phải dựa trên giá trị gia tăng và hội nhập. Chính sách của chúng ta mới nêu ra đầu bài nhưng chưa có giải pháp cụ thể, địa phương làm gì, trung ương làm gì.

ĐB Bùi Sĩ Lợi đặt câu hỏi về vai trò doanh nghiệp (DN) trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản, làm sao để tránh thương lái thao túng giá, gây thiệt hại cho người nông dân? Một số ĐB cũng đặt câu hỏi chính sách hỗ trợ thủy sản, việc dự báo thị trường để tránh cho người nông dân khỏi cảnh được mùa mất giá,…

Trả lời các vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát cho biết trước hết sản xuất được định hướng theo thị trường, năm qua Bộ đã tập trung tháo gỡ nhiều vướng mắc trong khâu sản xuất. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, trong đó có Quyết định số 62 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Chính sách này chủ yếu trên cây lúa. Bộ đang tổ chức rút kinh nghiệm và kiến nghị Chính phủ hoàn thiện chính sách đối với cây lúa và mở rộng sang các lĩnh vực khác.

Giải thích về việc DN không trực tiếp liên kết với nông dân mà phải thông qua các thương lái, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu quan điểm: khuyến khích DN liên kết với nông dân nhưng không một DN nào có thể liên kết với hàng ngàn, hàng vạn hộ nông dân mà chỉ có thể liên kết với các tổ chức đại diện cho người nông dân. Bộ sẽ tập trung hỗ trợ hình thành các tổ chức đại diện cho người nông dân liên kết với DN.

Trong quý này, Bộ NN&PTNN sẽ cùng Bộ Kế hoạch đầu tư rà soát Nghị định 2510 về khuyến khích DN trong nông nghiệp để làm rõ chính sách nào còn thực hiện được, hoặc có vướng mắc để sửa đổi, điều chỉnh. Bộ cũng đã yêu cầu các đơn vị rà soát, cắt giảm 46 thủ tục hành chính, tiến tới sẽ giảm 50% thời gian thông quan cho hàng hoá nông sản xuất nhập khẩu.

Trồng lúa lợi hơn, tại sao phải trồng ngô, trồng đậu?

Đối với chất vấn của ĐB về việc DN trong nước chỉ chiếm 5% thị phần thức ăn chăn nuôi, còn lại là do DN nước ngoài nắm giữ, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết lợi thế của chúng ta là trồng lúa, trong khi trồng ngô, đậu tương năng suất thấp hơn, không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Vì vậy, nên tận dụng lợi thế của mình và chọn cách làm có lợi nhất. Mục tiêu chính là làm sao để nông dân có thu nhập cao hơn, lợi hơn.

Bên cạnh đó, trong ngành chăn nuôi, xu hướng tất yếu là phải chế biến thức ăn công nghiệp để nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên các DN chúng ta chưa làm được và các DN nước ngoài đã chiếm lĩnh thị trường, điều này không trái với luật.

Bộ trưởng phân tích thêm, vừa qua để khuyến khích DN trong nước, chúng ta đã có quyết định quan trọng là bỏ thuế GTGT đối với thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ đáng kể cho người nông dân sử dụng thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi, đồng thời hỗ trợ cả các DN không có điều kiện liên kết với nông dân. Hiện nay, nông dân đi mua thức ăn chăn nuôi phải nộp thuế GTGT, còn nếu DN sản xuất thức ăn đưa cho nông dân nuôi gia công thì không phải nộp thuế GTGT nên DN lớn có lợi thế hơn. Khi quyết định bỏ thuế GTGT với lĩnh vực này đã tạo ra sự bình đẳng cho cả DN lớn và DN nhỏ, mà DN nhỏ chủ yếu là của người Việt Nam. Quyết định này cũng tạo điều kiện cho các nông trại, bà con chăn nuôi nhỏ không phải nộp thuế so với người đi làm gia công.

Liên quan đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết đây là chương trình rất rộng lớn. Để triển khai, Bộ NN&PTNN đã cụ thể hoá từng lĩnh vực, lựa chọn 6 nhóm giải pháp xuyên suốt về chính sách, về tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước và đào tạo nguồn nhân lực. Năm 2015 sẽ tiếp tục đổi mới sản xuất, đổi mới đồng bộ công nghệ. Trong đó, công nghệ cao là đột phá, liên kết DN với các tổ chức nhà nước là động lực./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam