Lãi gần 5.000 tỷ đồng, EVN vẫn đề xuất tăng giá bán điện

12:37 | 31/12/2014 Print
Năm 2013, EVN lãi gần 5.000 tỷ đồng cũng là năm thứ 3 liên tiếp có lãi. Trong bối cảnh các chi phí đầu vào của EVN đang giảm nhiều do giá dầu giảm mạnh thì đơn vị này vẫn tiếp tục đề xuất tăng giá điện với nhiều lý do.

Đây cũng là nội dung chính được bàn luận trong cuộc họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do Bộ Công thương tổ chức chiều 30/12.

EVN có lãi gần 5.000 tỷ đồng

Tại buổi họp báo, Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2013, sản lượng điện thương phẩm thực hiện đạt 115,28 tỷ kWh, tỷ lệ tổn thất hệ thống điện ở mức 8,87%.

Như vậy, năm 2013, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần đạt 441,81 tỷ đồng. Tổng cộng lãi hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2013 của EVN là 4.938,44 tỷ đồng.

hop bao tang gia dien

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Tố Uyên

Bên cạnh đó, nói về các khoản nợ, đại diện EVN cũng cho biết, khoản lỗ công bố cuối năm 2013 đến nay đã được bù hết, chỉ còn khoảng hơn 8.800 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá đang chờ hạch toán.

EVN đưa ra nhiều lí do để tăng giá

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Điều tiết Điện lực cho biết, giá thành điện năm 2015 sẽ được tính toàn bộ chu kỳ giá nguyên liệu đầu vào kể từ ngày 1/8/2013, tức là bắt đầu từ thời điểm giá điện điều chỉnh gần đây nhất. Chính vì thế, việc giá dầu giảm thời gian qua chắc chắn cũng sẽ khiến chỉ tiêu này giảm theo.

Ngoài ra, đại diện của EVN phân tích, đúng là lẽ ra giá đầu vào giảm thì giá điện đầu ra sẽ giảm. Tuy nhiên, các nhiên liệu khác lại đang trong lộ trình tăng giá như: giá khí đã tăng 2%, giá than tăng 5%.

Khi trả lời thắc mắc, tại sao giá dầu giảm như vậy chắc chắn sẽ giảm rất nhiều chi phí đầu vào cho ngành điện thì đại diện EVN cho rằng, giá dầu giảm xuống 40 USD, EVN có thể nhẹ gánh hơn một chút. Tuy nhiên, hiện miền Nam tăng phụ tải quá nhanh nên sẽ buộc phải đổ dầu vào đốt. Với giá thành 5.000-6.000 đồng/kWh mà chỉ bán có 1.500 đồng/kWh thì mức giá bán hiện nay không thể chịu được.

Ngoài ra, theo đại diện EVN, việc không tăng giá điện trong năm qua là một trong những nguyên nhân khiến EVN đang phải chịu khoảng 15.000 tỷ đồng chi phí phát sinh. Hiện tập đoàn đã phải bù lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng kinh doanh điện năm 2000 và 2001. EVN sẽ tính đến phương án tăng giá điện để bù đắp, nhưng do hiện tại chưa thể tăng giá điện nên kiến nghị Chính phủ cho hoãn thanh toán số chênh lệch tỷ giá 8.811 tỷ đồng sau năm 2015, đồng thời được "khất" khoản nợ mua khí từ Tập đoàn dầu khí chậm hơn so với thời gian quy định.

Giá điện không tăng trước Tết Ất Mùi

Đại diện EVN cũng khẳng định tại cuộc họp báo, từ nay đến Tết âm lịch giá điện sẽ không tăng.

Nói về vấn đề tăng giá điện, ông Tuấn cho biết thêm, Bộ Công thương sẽ căn cứ vào các yếu tố thông số đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, cơ cấu sản lượng điện huy động được...tăng thì giá điện tăng, nếu giảm thì giá điện sẽ phải giảm. Việc điều chỉnh giá điện phải nằm trong khung giá của Thủ tướng duyệt và không nhằm bù lỗ cho EVN.

"Thời gian qua, giá dầu giảm mạnh, vì thế giá điện cho năm 2015 sẽ phải tính lại trên cơ sở giá nhiên liệu cập nhật từ lần tăng giá điện gần nhất hồi tháng 8/2013 cho đến lúc tính toán giá. Trong trường hợp tăng giá điện, nếu mức điều chỉnh tăng từ 7-10% thì sẽ do EVN và Bộ Công Thương duyệt, nhưng nếu tăng trên 10% thì phải xin ý kiến Thủ tướng duyệt", ông Tuấn cho biết./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam