Việt Nam đã sẵn sàng khoảng 80% các yêu cầu của AEC

15:00 | 19/12/2014 Print
Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng khoảng 80% các yêu cầu của Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC), như việc cải cách các thủ tục thuế, sự tự do hóa các dịch vụ, tự do hóa các khoản vốn,… Đặc biệt mới đây, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) rất phù hợp với những yêu cầu từ AEC.

Đây là những chia sẻ của ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu (EU-MUTRAP) trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.

* Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của Asean đối với Việt Nam?

- Asean là một liên minh vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Đầu tiên, Asean thúc đẩy các thỏa thuận thương mại tự do giữa các nước thành viên Asean, điều đó đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể dễ dàng xuất khẩu các mặt hàng của mình sang các nước thành viên khác mà không bị đánh thuế. Thứ hai, Asean đã ký kết nhiều thỏa thuận, nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều cường quốc lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand. Với riêng Việt Nam, đây là những thị trường xuất khẩu vô cùng quan trọng và tiềm năng.

Mặt khác, khi AEC hình thành, bên cạnh việc khả năng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên, việc nhập khẩu cũng rất dễ dàng, đặc biệt là nhập khẩu những nguyên liệu thô, những sản phẩm phụ trợ cho hoạt động sản xuất.

AEC được hình thành cũng là cơ hội cho Việt Nam xây dựng một hệ thống cơ sở sản xuất dựa trên nguồn nhân lực giá rẻ dồi dào rồi xuất khẩu thành phẩm tới các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới. Đây hứa hẹn là một tín hiệu rất tích cực cho Việt Nam.

* Thời điểm AEC được hình thành đang đến rất gần, ông đánh giá như thế nào về mức độ sẵn sàng tham gia “sân chơi” AEC của Việt Nam?

- Việt Nam có hai điểm đặc trưng cần phân tích. Từ góc độ kinh tế, Việt Nam đã đạt được những lợi ích nhất định từ các hiệp định thương mại tự do với một vài quốc gia trong khu vực Asean. Đồng thời, Việt Nam đã mở cửa thị trường, cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Tất nhiên sẽ xuất hiện nhiều áp lực từ các quốc gia mạnh như Singapore hay Malaysia, ví dụ như trong các dịch vụ tài chính, tuy nhiên trong các lĩnh vực kinh tế khác thì Việt Nam có thể tự tin vào tiềm lực của mình.

Việt Nam cần tiếp tục bám sát các kế hoạch đã đề ra để có thể đáp ứng một cách đầy đủ những yêu cầu của AEC.

Claudio

Ông Claudio Dordi

Từ quan điểm pháp lý, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng khoảng 80% các yêu cầu của AEC, như việc cải cách các thủ tục thuế, sự tự do hóa các dịch vụ, tự do hóa các khoản vốn,… Đặc biệt mới đây, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) rất phù hợp với những yêu cầu từ AEC.

Đây là những lý do chứng minh cho việc Việt Nam tương đối sẵn sàng tham gia “sân chơi” AEC.

* Vậy còn thách thức nào mà Việt Nam phải đối mặt, thưa ông?

- Theo tôi không có thách thức nào quá lớn cả, có lẽ thách thức lớn nhất là việc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của AEC, bởi Việt Nam đang có phần hụt hơi trong việc bắt kịp với những kế hoạch đã được cộng đồng Asean đề ra.

Tuy nhiên, tôi tin rằng tất cả các nước thành viên đều sẽ đáp ứng đầy đủ và kịp thời những yêu cầu này.

Một vấn đề khác đáng quan tâm, đó là việc đảm bảo thực hiện đúng những thỏa ước của AEC, vấn đề này cần có sự theo dõi và quản lý của nhiều các cấp cơ quan ban ngành.

Ngoài ra, có một điểm đáng chú ý đối với cán cân thương mại của Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ các nước thành viên Asean, rồi xuất khẩu thành phẩm ra các khu vực bên ngoài Asean, đặc biệt tới các khu vực rất phát triển như châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản.

Việt Nam cũng hoàn toàn có thể xuất khẩu ngay trong chính khu vực Asean, nhằm giảm nhập siêu của Việt Nam với các nước trong khu vực.

* Việt Nam cần phải làm gì để có thể hoàn toàn sẵn sàng trong “sân chơi” AEC, thưa ông?

- Việt Nam đang thực hiện rất nhiều cải cách và những thay đổi này hoàn toàn phù hợp với bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), các Hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như đáp ứng những yêu cầu của AEC. Điều Việt Nam cần làm là tiếp tục bám sát kế hoạch đã đề ra để có thể đáp ứng một cách đầy đủ những yêu cầu của AEC.

Đặc biệt, Việt Nam cần có những chiến lược tổng thể để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giúp Việt Nam khẳng định được vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế./.

* Xin cảm ơn ông!

Thiện Trần

Thiện Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam