Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó trong tiếp cận tín dụng

18:00 | 04/11/2014 Print
Báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh của Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2013” cho thấy, môi trường kinh doanh không được cải thiện so với giai đoạn khảo sát trước. Chi phí phi chính thức và tiếp cận vốn vẫn là một trong những vấn đề nghiêm trọng.

Ngày 4/11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Tổng cục Thống kê và Trường Đại học Cophenhagen (UoC) phối hợp tổ chức công bố báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2013”.

Đây là kết quả nghiên cứu, điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) lần thứ 5, cung cấp thông tin về thực trạng của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và một số trở ngại chính của khu vực doanh nghiệp này.

Theo báo cáo, khoảng 70% các doanh nghiệp được khảo sát nói rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn có ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện kinh doanh năm 2013, và chỉ có 15% doanh nghiệp không cảm thấy những tác động tiêu cực của khủng hoảng năm 2007/2008. Các doanh nghiệp siêu nhỏ ít bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng hơn so với các doanh nghiệp lớn, so sánh năm 2011 và 2013, tổng lao động giảm 7,4%.

doanh nghiep

Doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với các chi phí không chính thức. Ảnh: ĐT

Môi trường kinh doanh về tổng thể dường như không được cải thiện so với khảo sát trước đó. Tỷ lệ doanh nghiệp không phải đối mặt với những trở ngại trong kinh doanh rất thấp. Chi phí phi chính thức và tiếp cận tài chính vẫn là một trong những vấn đề nghiêm trọng.

Tỷ lệ doanh nghiệp có chi phí phi chính thức năm 2013 cao hơn năm 2011 và tương tự như năm 2009. Kết quả điều tra cho thấy, chính thức hóa và tăng xác suất có chi phí phi chính thức có quan hệ thuận chiều. Mục đích của các khoản chi phí phi chính thức để doanh nghiệp đối phó với một vài cơ quan chức năng cũng như kết nối với dịch vụ công. Tuy nhiên một phần lớn doanh nghiệp không tiết lộ lý do.

Dữ liệu điều tra cũng cho thấy doanh nghiệp hối lộ có xác suất thoát khỏi thị trường lớn hơn. Do vậy, chiến dịch thông tin về các tác động tiêu cực của tham nhũng có thể cần thiết để giảm áp lực chi phí phi chính thức đối với cả phía cung và phía cầu.

Tiếp cận với tín dụng được chỉ ra là vấn đề khó khăn nhất đối với doanh nghiệp trong cả hai năm 2011 và 2013. Tuy nhiên tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn này giảm từ 45% trong năm 2011 xuống 30% trong năm 2013.

Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đầu tư giảm so với năm 2011. Đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ ở thành thị miền Nam đóng góp chính vào sự sụt giảm này. Số tiền trung bình của các khoản đầu tư từ lợi nhuận giữ lại giảm so với năm 2011, tỷ trọng các khoản đầu tư từ các nguồn chi phí phi chính thức tăng lên. Trong bối cảnh đầu tư giảm, các chính sách kinh tế cần xác định xu hướng giảm này cũng với sự chuyển dịch sang sử dụng tín dụng phi chính thức của các DNNVV.

Báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ đổi mới giảm mạnh so với năm 2011, kể cả về giới thiệu sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm hiện có. Sự suy giảm này có thể là một vấn đề đối với tính năng động trong tương lai, do đổi mới thông qua việc cải tiến sản phẩm hiện có quan hệ thuận chiều đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, các chính sách cần hướng trọng tâm đến nâng cao năng lực sáng tạo của các DNNVV.

Năng suất lao động năm 2013 giảm so với năm 2011, sự suy giảm này chủ yếu do doanh nghiệp siêu nhỏ nông thôn.

Theo GS Finn Tarp, Trường Đại học Cophenhagen, kết quả của báo cáo cho thấy một bức tranh xám màu hơn so với hai năm trước do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính vẫn còn tiếp diễn. Những thách thức cấu trúc cơ bản cần phải được giải quyết thông qua một loạt các chính sách mới và một chiến lược phát triển mới.

Trung Ninh

Trung Ninh

© Thời báo Tài chính Việt Nam