18 doanh nghiệp ký cam kết không chở hàng vượt quá tải trọng

13:48 | 02/11/2014 Print
Lễ ký vừa diễn ra tại Hội nghị ký cam kết không xếp hàng lên phương tiện quá tải trọng cho phép được tổ chức tại Bắc Kạn.

ký cam kết

Các doanh nghiệp tham gia ký cam kết không chở hàng quá tải. Ảnh: Đỗ Hùng

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc ký cam kết nhằm mục đích nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện.

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.

Đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết, trong thời gian qua, việc hạn chế chở quá tải đối với xe tải đường dài, xe công-ten-nơ có chuyển biến tốt, nhưng các xe vận chuyển khoáng sản còn cố tình vi phạm. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành ký cam kết với chính các đơn vị khai thác mỏ không xếp hàng vượt tải lên phương tiện vận chuyển.

Bên cạnh đó, sắp tới, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị mức xử phạt tối đa đối với xe quá tải trên 10% là 72 triệu đồng, trong đó, chủ doanh nghiệp chịu phạt 36 triệu đồng, chủ phương tiện và lái xe cùng chịu chung mức phạt 18 triệu đồng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ bị rút giấy phép và đóng cửa mỏ nếu vi phạm cam kết 3 lần. Trạm cân sẽ được cải tiến và thay thế bằng trạm cân không dây, cân tĩnh và cân động đều được. Khi thực hiện quá trình cân, số liệu tải trọng sẽ được đưa trực tiếp lên mạng để người dân có thể giám sát. Những xe vi phạm quá số lần cho phép kiên quyết xử lý theo đúng pháp luật.

Thực hiện theo cam kết đã ký, các doanh nghiệp và đơn vị chức năng phải thực hiện 8 điểm, trong đó lưu ý tới các nội dung như: Không xếp hàng vượt trọng tải cho phép; xe công-ten-nơ phải thực hiện cân trọng tải để xác nhận khối lượng; hàng siêu trường, siêu trọng chỉ xếp hàng khi đơn vị vận tải có giấy phép; theo dõi dữ liệu của phương tiện và khối lượng hàng hóa vận chuyển khi ra, vào nhà máy, mỏ...

Các đơn vị phải ban hành quy chế và xử lý đối với cá nhân, đơn vị trực thuộc nếu vi phạm; có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc xếp hàng trên phương tiện; chịu trách nhiệm và bị xử lý khi vi phạm về xếp hàng vượt tải trọng.

Đối với các đơn vị vi phạm lần 1 thì người đứng đầu bị cảnh cáo; vi phạm lần 2, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động từ 1 - 3 tháng./.

Trí Dũng

Trí Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam