Doanh nghiệp sẽ bớt rủi ro từ con dấu

12:23 | 25/09/2014 Print
Chuyện doanh nghiệp gặp “lôi thôi to” nếu chẳng may mất con dấu sẽ không còn tái diễn nữa, bởi nhiều thủ tục liên quan tới quản lý con dấu đang được nghiên cứu sửa đổi.

Tại Thông báo số 370/TB-VPCP, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi quy định về quản lý con dấu theo hướng cho phép doanh nghiệp chủ động tự khắc dấu, thông báo sử dụng con dấu, tiến tới thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử.

Đây là một phần trong ý kiến kết luận của Thủ tướng về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp sau buổi làm việc trước đó với nhiều bộ, ngành về vấn đề này.

Thực tế, với các quy định hiện hành về con dấu, mất con dấu chỉ là một trong số những rủi ro mà doanh nghiệp có thể phải gánh chịu.

Một luật sư từng ví von trên báo chí: Quan hệ giữa doanh nghiệp và con dấu có thể coi như cha và con, nhưng pháp luật hiện hành đang đặt “con trên cha”, tức là trong nhiều trường hợp, đứa con này có một quyền lực rất lớn là xác nhận tư cách, thậm chí là năng lực của cha mẹ nó. Không có nó, doanh nghiệp không làm được gì.

Tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam được tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhắc tới việc sửa đổi các quy định về con dấu như một ví dụ điển hình trong số hàng loạt các biện pháp đột phá đã và đang được tiến hành trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh.

“Đó là chỉ là một điểm mang tính kỹ thuật nhưng về tư tưởng lại rất lớn”, ông Phúc nhận xét. Vị Phó Chủ nhiệm có lẽ muốn nói tới tinh thần “cởi trói” cho tự do kinh doanh, doanh nghiệp được kinh doanh mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm, được thể hiện nhất quán trong các dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, phân tích rõ hơn: Có rất nhiều rủi ro phát sinh từ việc sử dụng con dấu, đặc biệt là trong tranh chấp thương mại. Ở Việt Nam, nếu không đóng dấu thì văn bản không có hiệu lực, nghĩa là “nếu một ông nào đó cầm mất con dấu thì doanh nghiệp sẽ gặp lôi thôi”.

Trên thực tế, báo chí đã phản ánh không ít vụ chiếm đoạt con dấu, thậm chí cướp con dấu để… đòi tiền chuộc.

Mặt khác, nếu tiếp tục sử dụng con dấu như hiện nay thì các giao dịch điện tử sau này sẽ rất khó thực hiện.

Theo ông Cung, với việc thực hiện kết luận của Thủ tướng, con dấu sẽ không còn là công cụ quản lý nhà nước, không phải là tài sản quốc gia nữa. Con dấu chỉ là dấu hiệu của doanh nghiệp nếu cần thiết, là tài sản của doanh nghiệp và khi ai đó lấy mất con dấu thì doanh nghiệp có thể ngay lập tức tuyên bố hủy con dấu đó, khắc con dấu khác.

Không chỉ có vậy, “vai trò” của con dấu trong vấn đề khởi sự kinh doanh có thể làm không ít người ngạc nhiên. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện khởi sự kinh doanh ở Việt Nam gồm 10 bước thủ tục với 34 ngày, trong đó riêng bước khắc dấu mất 6 ngày.

TS Nguyễn Đình Cung cho hay, việc cải cách các quy định về con dấu sẽ góp phần rút ngắn đáng kể quy trình khởi sự kinh doanh, chỉ còn 5 bước thủ tục với tối đa 6 ngày, thực hiện được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Rõ ràng, con dấu tuy nhỏ nhưng những vấn đề đi cùng lại không nhỏ chút nào. Việc sửa đổi những quy định về con dấu để giảm bớt “uy quyền” của nó cũng là nhằm giảm bớt sự can thiệp của cơ quan hành chính nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp, “cởi trói” cho doanh nghiệp và bảo đảm quyền tự do kinh doanh đã được hiến định./.

Theo VGP

Theo VGP

© Thời báo Tài chính Việt Nam