Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó vay vốn

09:56 | 11/09/2014 Print
Thiếu tài sản thế chấp, chưa kể là tài sản đó lại không "hợp nhãn" theo cách đánh giá từ phía ngân hàng, đang là những rào cản khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khó tiếp cận được vốn.

Theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong khi nhiều doanh nghiệp khó khăn phải ngừng hoạt động và giải thể (8 tháng năm nay cả nước có hơn 44 nghìn doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể), nhưng đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp ổn định và có nhu cầu mở rộng sản xuất, nhưng khó tiếp cận được các nguồn vốn đầu tư.

Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu tài sản thế chấp, lãi suất còn cao. Phần lớn DNNVV thiếu tài sản cố định có giá trị lớn, chưa kể là tài sản đó lại không "hợp nhãn" theo cách đánh giá từ phía ngân hàng.

dn

Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản lý. Ảnh: ĐT

Ông Phạm Quốc Thắng – Phó Tổng giám đốc Techcombank cho rằng, tài sản thế chấp của các DNNVV thường chỉ là nhà đất hoặc dây chuyền máy móc, thiết bị. Mà nhà đất được thế chấp hầu hết là đang có nhiều người đang ở, hoặc chủ sở hữu nhà đất không phải là chủ sở hữu doanh nghiệp, rất phức tạp. Ông Thắng cũng thừa nhận trong bối cảnh hiện nay thì ngân hàng không mặn mà với những tài sản này.

Ngoài năng lực tài chính hạn chế, tồn tại nổi cộm của các DNNVV là công tác quản trị DN chưa được quan tâm đúng mức, sự thiếu hụt về thông tin thị trường dẫn đến sản xuất, kinh doanh của các đơn vị dễ gặp rủi ro, ảnh hưởng lớn đến khả năng trả nợ ngân hàng.

Vì thế theo ông Thắng, nếu nhìn vào tài sản đảm bảo thì rất khó để cho DN vay, nhìn vào báo cáo tài chính doanh nghiệp cũng rất khó đánh giá, nên ngân hàng phải thông qua các tiêu chí gián tiếp khác để đánh giá doanh nghiệp. Đó là thông qua các hoạt động bán lẻ của doanh nghiệp, nhìn vào đối tác, đầu ra, đầu vào và cách triển khai hợp đồng của doanh nghiệp… Qua đó, ngân hàng vượt qua được rào cản tài sản đảm bảo thế chấp.

Tuy nhiên, việc cho vay tín chấp chỉ có thể làm với những doanh nghiệp có doanh thu đều đặn, ngân hàng kiểm soát được nguồn tiền ra vào và nắm được rõ phương án kinh doanh.

Ông Thắng cũng cho biết, trong 70 ngàn doanh nghiệp mà Techcombank làm việc thì chỉ cho vay được khoảng 20 ngàn doanh nghiệp.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đồng thời khơi thông nguồn tín dụng, ông Thắng cho rằng, nếu cơ quan chức năng có thể công khai thông tin về doanh nghiệp một cách rõ ràng thì ngân hàng sẽ dễ dàng đánh giá doanh nghiệp hơn rất nhiều. Chẳng hạn, công bố thông tin về doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm, nợ các loại thuế, phí…

Bên cạnh đó, cần nâng cao tiếng nói của các Hiệp hội, một trong những kênh thông tin của ngân hàng. Hiệp hội ngành nghề là nơi phải hiểu doanh nghiệp, nhưng hiện nay vai trò của hiệp hội chỉ kiến nghị các chính sách để có lợi cho doanh nghiệp thành viên mà thiếu sự nắm bắt và giám sát doanh nghiệp.

Bà Trịnh Thị Hương – Cục Phát triển doanh nghiệp cho rằng, không chỉ để tiếp cận nguồn vốn vay dễ hơn mà để phát triển hơn DNNVV tự nâng cao năng lực quản lý, đầu tư đổi mới sáng tạo; thay đổi tư duy kinh doanh; tham gia các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp và tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ của nhà nước./.

Trung Ninh

Trung Ninh

© Thời báo Tài chính Việt Nam