Hơn 85% DN nhỏ và siêu nhỏ chưa lần nào được cơ quan nhà nước lấy ý kiến

20:24 | 13/08/2014 Print
Trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật, việc lấy ý kiến đóng góp của DN mới chỉ tập trung vào những DN có quy mô lớn, còn những DN nhỏ và siêu nhỏ thì đa số không biết hoặc không có cơ hội để đóng góp ý kiến tham gia xây dựng chính sách.

Đây là chia sẻ của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” tổ chức ngày 13/8, tại Hà Nội.

Cơ quan nhà nước cần “đối xử” công bằng hơn với các DN quy mô nhỏ trong việc tạo cơ hội cho họ được đóng góp “tiếng nói” của mình; cần tích cực tiếp thu ý kiến phản ánh, đóng góp của bộ phận DN này trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật.
Dau Anh Tuan
Ông Đậu Anh Tuấn

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, theo khảo sát của VCCI, đối với DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ (dưới 1 tỷ đồng) thì có đến hơn 85% DN chưa lần nào được cơ quan nhà nước lấy ý kiến trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật. Trong khi đó, đối với DN quy mô lớn (trên 10 tỷ đồng) thì tỷ lệ này cũng chỉ gần 50%.

Đặc biệt, cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, việc lấy ý kiến đóng góp của DN mới chỉ tập trung vào những DN thân quen, DN thụ hưởng từ những chính sách đó. Còn nhóm những DN bị ảnh hưởng lớn là đại bộ phận DN nhỏ và siêu nhỏ thì rất ít khi được tham gia vào quá trình tham vấn và không có cơ hội để thể hiện “tiếng nói” của mình.

Cũng theo kết quả khảo sát của VCCI, một trong những khó khăn DN gặp phải khi góp ý tham gia xây dựng chính sách và pháp luật là DN có góp ý cũng không được cơ quan soạn thảo tiếp thu hoặc thiếu phúc đáp, giải trình, thậm chí có những trường hợp DN có thể bị gây khó dễ.

Bởi vậy, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, phải tăng cường tạo điều kiện cho DN tham gia ở mọi quy trình của quá trình xây dựng chính sách mới ngay từ khi soạn thảo ý tưởng đến dự thảo.

"Thậm chí cho đến khi trình Quốc hội thì các đại biểu Quốc hội cũng cần có những kênh tham vấn riêng để tiếp thu và phản ánh ý kiến đóng góp của DN cho đến khi văn bản pháp luật được ban hành và có hiệu lực", ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo nên cung cấp bản tóm tắt các vấn đề trọng tâm, đầy đủ tài liệu liên quan và phúc đáp, giải trình ý kiến đóng góp của DN.

Đặc biệt, “cơ quan nhà nước cần “đối xử” công bằng hơn với các DN quy mô nhỏ trong việc tạo cơ hội cho doanh nghiệp được đóng góp “tiếng nói” của mình và cần tích cực tiếp thu ý kiến phản ánh, đóng góp của bộ phận doanh nghiệp này trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật”, ông Tuấn nhấn mạnh./.

Thiện Trần

Thiện Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam