TPP và vấn đề với Trung Quốc sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tái cấu trúc

19:00 | 17/07/2014 Print
Theo HSBC, những hành động gây hấn của Trung Quốc chỉ tác động hạn chế đến kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, trong đó các ngành như du lịch chịu ảnh hưởng nhiều nhất, nhưng vài tháng tới hoạt động này sẽ trở lại bình thường.

HSBC: Kỳ vọng vào tương lai của Việt Nam

Theo HSBC, những vấn đề phải giải quyết để TPP được ký kết và những căng thẳng tạm thời với Trung Quốc có thể thúc đẩy tốc độ tái cấu trúc. Ảnh minh họa (nguồn T.L)

"Kỳ vọng vào tương lai" là tiêu đề trong phần đánh giá về Việt Nam của Ngân hàng HSBC, tại báo cáo triển vọng thị trường châu Á quý III/2014 được phát đi hôm nay, 17/7.

Sự việc Trung Quốc: chỉ tác động hạn chế trong ngắn hạn

Theo HSBC, từ tháng 12/2013, chỉ số Nhà quản trị Mua hàng ngành sản xuất (PMI) của Việt Nam luôn ở mức trên 50 điểm, thể hiện sự cải thiện về điều kiện kinh doanh của lĩnh vực này. Sản lượng tốt và sức mua mạnh đã đáp ứng tốt cho việc nhà sản xuất giảm giá bán và cầu bên ngoài cải thiện.

Ngay trong tháng 6/2014, tăng trưởng xuất khẩu đạt mức hai con số, dù tốc độ có giảm. Nhưng do hoạt động xuất khẩu dựa chủ yếu vào các công ty có vốn đầu tư nước ngoài nên theo HSBC, cần thêm thời gian để xem xét những vấn đề với Trung Quốc có ảnh hưởng gì tới triển vọng của ngành này không.

Tuy nhiên bù lại, sản xuất và dịch vụ gia tăng đã thúc đẩy GDP tăng 5,5% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 4,8% của quý 1. Đặc biệt, những hành động gây hấn của Trung Quốc chỉ tác động hạn chế đến kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, trong đó các ngành như du lịch chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Cụ thể, lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc có giảm đi, nhưng HSBC cho rằng, trong vài tháng tới hoạt động này sẽ trở lại bình thường. Từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng 26,1%. "Chú́ng ta có kỳ vọng mức này sẽ còn tăng thêm và kích thích ngành bán lẻ phát triển", HSBC nhận định.

Cùng với đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục ổn định, cho thấy các nhà đầu tư chính vẫn không thay đổi lập trường đối với Việt Nam. Các nhà đầu tư chính tại Việt Nam gồm có Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Đài Loan.

Động lực thúc đẩy tái cấu trúc của Việt Nam

Theo HSBC, vấn đề lâu dài của Việt Nam là tổ chức chuỗi cung ứng. Bởi hiện nay nhiều ngành xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài như dệt may, da giày, và điện tử.

Việt Nam vẫn đang trong quá trình thảo luận Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu TPP khép lại thành công, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất nhưng lại gặp phải Quy định về xuất xứ buộc phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước trong nhóm TPP.

“Chúng tôi cho rằng những vấn đề phải giải quyết để TPP được ký kết và những căng thẳng tạm thời với Trung Quốc có thể thúc đẩy tốc độ tái cấu trúc”, HSBC cho biết.

Ngân hàng này cũng kỳ vọng lạm phát sẽ ổn định với vài đợt tăng tạm thời vào đầu quý 3 và Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất ở mức 5,0%. Các nhà quan sát sẽ tiếp tục dõi theo kết quả của Hiệp định thương mại tự do với Châu Âu (EU – FTA) và TPP, bên cạnh đó là việc tái cấu trúc các công ty nhà nước và khối ngân hàng./.

Hoàng Lâm

Hoàng Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam