TP. HCM: Thu hút đầu tư khởi sắc bất chấp biến động Biển Đông

17:21 | 16/07/2014 Print
Ngày 15/7, Ban Quản lý các Khu chế xuất (KCX)-Khu công nghiệp (KCN)TP. HCM (HEPZA) tổ chức họp báo về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm tại các KCX-KCN trên địa bàn Thành phố.

det may

Nhiều dự án đầu tư nước ngoài lớn vào ngành dệt may đã có mặt tại TP. HCM. Ảnh: hochiminhcity.gov.vn

HEPZA cho biết, sự thu hút đầu tư vào các KCN-KCX TP. HCM vẫn có nhiều khởi sắc trước bối cảnh kinh tế khó khăn, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp. Tổng vốn đầu tư thu hút đạt 333,47 triệu USD, đạt trên 60% kế hoạch, tăng 55,49% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong đó, vốn đầu tư trong nước đạt hơn 1.447 tỷ đồng (tương đương 68,80 triệu USD), tăng 1,2% so với cùng kỳ và trong 6 tháng đầu năm, với 37 dự án được cấp mới có 9 dự án đã hoạt động (là dự án thuê xưởng), 28 dự án đang khảo sát lập thiết kế để xin giấy phép xây dựng.

Về vốn đầu tư nước ngoài đạt 264,67 triệu USD, tăng 80,69% so cùng kỳ; cấp mới 19 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng kí 231,68 triệu USD, tăng 7,4 lần so với cùng kì; 16 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng số vốn điều chỉnh tăng gần 33 triệu USD.

Về ngành nghề đầu tư, lĩnh vực dệt may cao cấp chiếm hơn 82% tổng số vốn đầu tư, còn lại là nhựa, cao su; cơ khí, thuốc lá, điện tử, dịch vụ. Điểm đáng chú ý nữa trong thu hút vốn FDI những tháng đầu năm là các nhà đầu tư nước ngoài đã có những dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực dệt may cao cấp tại các KCX-KCN Thành phố.

Không chỉ thu hút đầu tư nước ngoài vào các KCN-KCX đạt cao, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tại đây trong 6 tháng đầu năm cũng đạt kết quả khá cao. Hiện có trên 1.300 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng kí trên 8 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp đạt khoảng 2,3 tỷ USD, trong đó các doanh nghiệp chế xuất đạt khoảng 1,9 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kì năm 2013.

Về dự báo tình hình dệt may sắp tới, HEPZA cho biết, thị trường dệt may toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,5%, cùng với việc kí kết Hiệp định đối tác kinh tế chiến lượng xuyên Thái Bình Dương (TPP), điển hình các nhà đầu tư nước ngoài đã có những dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực dệt may cao cấp vào các KCN- KCX của TPHCM như dự án của Công ty TNHH Wordon Việt Nam, trị giá 140 triệu USD; dự án sản xuất dệt vải cao cấp của Công ty TNHH Sheico Việt Nam, trị giá 50 triệu USD,…

Đối với việc lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trái phép trên vùng biển của Việt Nam để gây rối, Ban quản lý đã chủ động nắm tình hình tham mưu UBND TP. HCM xử lý ngay các tình huống, hỗ trợ doanh nghiệp,…Ban quản lý cũng đã phối hợp với Cục Hải quan TP. HCM hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc về hoạt động XNK hàng hóa cho doanh nghiệp, không làm xáo trộn hoạt động XNK, cũng như sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

HEPZA cũng chủ trương tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động, giải quyết nhanh thủ tục hành chính, khảo sát nhu cầu về vốn của doanh nghiệp để kết nối với các ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay hiệu quả; rà soát, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp…

Nhằm hỗ trợ hơn nữa cho các doanh nghiệp, HEPZA cho biết, TP. HCM sẽ thành lập các KCN chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ, dự kiến KCN Hiệp phước- giai đoạn 2, diện tích gần 600 ha và KCN Lê Minh Xuân 3, diện tích 231 ha để thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp cơ khí, điện tử, tin học,…

Theo hochiminhcity.gov.vn

Theo hochiminhcity.gov.vn

© Thời báo Tài chính Việt Nam