Giảm nhập khẩu chưa đủ, dệt may cần chủ động nguồn cung

17:54 | 24/06/2014 Print
Ngành dệt may đang có bước tiến về đa dạng hóa thị trường nhập khẩu để giảm lệ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, để tránh rủi ro và phát triển bền vững thì bên cạnh tìm kiếm thị trường nhập khẩu mới, ngành cần giảm nhập khẩu bằng cách tăng tỷ lệ nội địa hóa, chủ động nguồn cung.

Giảm gần một nửa nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc

Theo Hiệp hội Bông Việt Nam (VCOSA), Trung Quốc đang giữ vai trò chi phối trong việc cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành dệt may thế giới. Hiện nay Trung Quốc chiếm 27% nguồn cung cấp bông toàn cầu, hơn 60 % xơ sợi, hơn 50% vải và 48% cọc sợi. Đối với Việt Nam, ngoại trừ bông được nhập khẩu từ Úc, Ấn Độ và Hoa Kỳ, hầu hết các nguyên phụ liệu ngành may mặc được nhập khẩu từ Trung Quốc như: xơ sợi, vải, nút, vật liệu may,...

Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kiêm Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), sau khi Hiệp hội có khuyến cáo DN cần chủ động tìm thị trường nguyên phụ liệu mới để tránh việc phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn hàng từ Trung Quốc thì toàn ngành dệt may đã nỗ lực để đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

“10 năm trước, nguyên phụ liệu cho ngành dệt may phải nhập khẩu gần 80% từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay, chúng ta chỉ còn gần 45% nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc", ông Trường nhấn mạnh.

ngành dệt may
Mục tiêu của ngành dệt may, đến năm 2020 sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa 60%. Ảnh: ST

"Chúng ta đều biết, Trung Quốc có nguồn cung khổng lồ về nguyên phụ liệu dệt may, ngay cả Mỹ và Châu Âu cũng nhập khá nhiều của Trung Quốc (Mỹ nhập khẩu 37%). Việc đa dạng hóa nguồn cung cho ngành dệt may không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà cần có lộ trình dài hạn, đồng thời phải tăng tỷ lệ nội địa hóa trong nước", ông Trường nói.

Theo mục tiêu của ngành dệt may, đến năm 2020 chúng ta sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa 60%. Khi có mức nội địa hóa cao như vậy thì nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ giảm nhanh.

Giải pháp nào để tăng tỷ lệ nội địa hóa?

Để tránh rủi ro, nâng cao giá trị và phát triển bền vững thì bên cạnh việc tìm kiếm thị trường nhập khẩu mới, ngành dệt may cần giảm tỷ lệ nguyên phụ liệu nhập khẩu bằng cách tăng tỷ lệ nội địa hóa, chủ động nguồn cung ứng nguyên phụ liệu. Việc giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu sẽ giúp DN nắm bắt và khai thác hiệu quả các lợi thế đến từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã và đang sắp tham gia, nhất là TPP.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, để nội địa hóa nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt may, vai trò vĩ mô của Chính phủ rất quan trọng. Chính vì vậy, Chính phủ cần xây dựng một chính sách hỗ trợ DN xây dựng và phát triển nguồn nguyên vật liệu trong nước từ quy hoạch đất đai, mặt bằng cho đến nguồn vốn, đẩy mạnh chính sách hỗ trợ tín dụng đối với các hoạt động đầu tư thiết bị hiện đại, đổi mới công nghệ sản xuất,...

Bên cạnh đó, theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư kí VCCI, hơn ai hết, bản thân DN phải tự có chiến lược và kế hoạch xây dựng được nguồn nguyên vật liệu của chính mình tại Việt Nam.

“Để có thể xây dựng được nguồn nguyên vật liệu nội địa, các DN cần đầu tư một cách có chiều sâu, không chỉ đầu tư vùng nuôi trồng mà còn đầu tư máy móc, khoa học công nghệ hiện đại để sản xuất được nguyên vật liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng. Bên cạnh đó, DN cần phải xây dựng được một hệ thống sản xuất có tính liên kết và phân công rõ ràng, chuyên môn hóa từng khâu”, bà Hằng nhấn mạnh.

Ông Trường còn chia sẻ, bản thân Vinatex trong 10 năm qua đã triển khai rất nhiều dự án sản xuất nguyên liệu dệt may, cung cấp đầu vào cho ngành. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, Vinatex đã triển khai 9 dự án sợi, 11 dự án dệt nhuộm, 12 dự án may.

Trong thời gian tới, Vinatex sẽ tiếp tục tập trung mạnh vào lĩnh vực sợi, dệt. "Hiện chúng ta chưa có chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, nhưng trước tình hình mới, DN nên chủ động đa dạng hóa nguồn nguyên liệu cho mình", ông Trường nói./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam